Bạc Liêu nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, giàu sản vật tự nhiên. Vì vậy, lẩu mắm Bạc Liêu là sự hội tụ tinh hoa của ẩm thực miền Tây. Lẩu mắm là món ăn của ba nền văn hóa Việt – Chăm – Khmer nên hương vị rất đặc biệt.
Việc chế biến món lẩu mắm Bạc Liêu cũng có nhiều điểm tương đồng với món lẩu mắm ở nhiều địa phương khác, được chú trọng nhất vẫn là nồi nước dùng với những hương vị đậm chất miền Tây nhưng vẫn khác biệt với nước dừa, gừng tây và một loại mắm đặc sản của Bạc Liêu là mắm cá sặc. Thịt để nấu lẩu mắm là thịt ba chỉ, thái lát vừa ăn rồi ướp gia vị và xào sơ với hành tím, sả băm, sau đó mang thịt để vào nước dùng đã nấu từ xương ống trước đó. Nước dùng từ thịt và nước dùng từ mắm đổ chung, hòa quyện với nhau mới tạo nên nước lèo của lẩu mắm. Nêm nếm chủ yếu vẫn là đường và bột ngọt, nhiều hay ít tùy vào khẩu vị của mỗi người.
Rổ rau ăn kèm tạo nên nét độc đáo của lẩu mắm Bạc Liêu
Ngoài những nguyên liệu từ biển từ đồng thì ấn tượng nhất vẫn là rổ rau ăn kèm rất phong phú, đa dạng như: càng cua, rau dừa, rau mác, rau đắng, bông súng, điên điển, cù nèo, bồn bồn, giá, bắp chuối, lá tai tượng, rau ngổ, tần ô, mướp..
Người dân Bạc Liêu ăn lẩu mắm không chỉ với những loại rau thông thường mà còn có các loại hoa trộn chung với rau như hoa lục bình, hoa súng, hoa so đũa. Vì thế rổ rau sống của món lẩu mắm Bạc Liêu vẫn là nguyên liệu được yêu thích và góp phần làm lên sự độc đáo cho món ăn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!