Tìm cách giữ nghề gốm ở làng Chăm

T.Q-Thứ bảy, ngày 31/08/2024 11:39 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Sáng phương Nam (VTV9) đã đến làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận nơi có nghề làm gốm độc đáo.

Cách đây 2 năm nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những làng gốm Chăm đã tìm nhiều cách để giữ nghề. Tuy nhiên đây không phải là việc dễ dàng. 

Tuy được truyền dạy nghề làm gốm từ cha ông nhưng hiện nay làng nghề phải đối diện với nhiều áp lực khiến cho số hộ gia đình làm nghề bị giảm dần. Thực tế đòi hỏi phải có ngay những biện pháp cấp bách để giữ lấy nghề gốm.

Làm gốm Chăm là kiểu không dùng bàn xoay, chỉ có đôi tay cần mẫn và khéo léo, nung gốm lộ thiên khác biệt. Đây là nơi sản sinh nhiều đồ dùng riêng có của người Chăm.

Người làng Chăm nặng lòng với nghề gốm nhưng cứ sau mỗi năm số người làm nghề giảm dần. Hiện tại cả làng Bình Đức chỉ còn 48 hộ với 66 người còn làm gốm. Mỗi sản phẩm tốn cả 1 tuần lễ từ lấy đất, nhào ra từng sản phẩm gốm, đem đi nung rồi chỉnh sửa từng chút một trước khi bán ra thị trường. Giá thành 20.000 – 30.000 đồng/sản phẩm gốm thực sự không tương xứng với công bỏ ra. Áp lực giữ nghề càng nặng nề khi gần đây nguyên liệu đầu vào là đất sét và củi nung trở nên khan hiếm.

Từ cuối năm 2020, tỉnh Bình Thuận đã khảo sát nguồn nguyên liệu để gỡ khó cho nghề gốm Chăm của làng Bình Đức, cũng như lập kế hoạch tìm đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng mọi việc vẫn là phương án vì còn nhiều lý do. Càng về sau những nghệ nhân có tiếng với nghề gốm Chăm thưa thớt gần. Trong khi đó người trẻ khó mặn mà với nghề gốm nếu thu nhập quá thấp. Cũng vì vậy người làm gốm Bình Đức mong mỏi khó khăn sớm được tháo gỡ, trước nhất là khâu nguyên liệu. Đó là động lực để người làng giữ lấy nghề gốm độc đáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước