Giá dầu thực vật tăng kỷ lục: Cú sốc lương thực mới mang tên dầu ăn

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 28/04/2022 19:07 GMT+7

VTV.vn - Từ châu Âu đến châu Á đều đang chịu tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến thị trường dầu thực vật rơi vào hỗn loạn.

Tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương đã gây ra hiệu ứng domino, khiến giá dầu hạt cải, dầu cọ và dầu ô liu trên thế giới tăng cao kỷ lục.

Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, nước này sẽ cho xuất khẩu dầu cọ thô trở lại, nhưng dầu chế biến vẫn nằm trong danh sách cấm. Quyết định trên của Indonesia, quốc gia chiếm 1/3 xuất khẩu dầu ăn toàn cầu, được dự báo sẽ khiến giá dầu trên thị trường tăng mạnh.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu cọ, đậu nành và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa tăng giá. Giá dầu ăn bán tại các cửa hàng ở thủ đô New Delhi tăng từ 12% đến 17% kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Chính phủ nước này đã bãi bỏ thuế nhập khẩu và đang cố gắng hạn chế việc tích trữ dầu ăn, nhưng giá mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại châu Âu, dầu ăn đang được liệt vào danh sách khan hiếm. Việc người dân Tây Ban Nha đổ xô đi mua tích trữ dầu ăn dễ khiến chúng ta liên tưởng tới hình ảnh các siêu thị bị vét sạch giấy vệ sinh hồi dịch COVID-19 mới bùng phát. Cũng ở nước này, vào năm 2021, giá dầu ăn là 0,8 Euro/lít, giờ đã là 2,6 Euro/lít, tăng 300%. Nhiều đơn vị bán lẻ buộc phải quy định mỗi khách hàng chỉ được mua từ 2 - 5 lít dầu.

Giá dầu thực vật  tăng kỷ lục: Cú sốc lương thực mới mang tên dầu ăn - Ảnh 1.

Sử dụng dầu ăn để chiên bánh Mandazi ở Nairobi, Kenya, ngày 20/4/2022. (Ảnh: AP)

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Mintec, Ukraine đã xuất khẩu 5,27 triệu tấn dầu hướng dương trong giai đoạn 2020 - 2021, chiếm khoảng 47% tổng lượng xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của nước này đã phải tạm dừng từ khi xung đột nổ ra.

Việc thiếu nguồn cung từ Nga và Ukraine, những nước xuất khẩu dầu ăn lớn, đã khiến giá dầu hướng dương thế giới tăng 44% vào cuối tháng 3 so với cùng kỳ năm 2021, trong khi dầu hạt cải đã tăng 72%. Sự thiếu hụt dầu ăn đang lan đến cả châu Phi và khiến mặt hàng dầu cọ vốn được sử dụng hết sức phổ biến trong các bữa ăn bắt đầu tăng giá.

Thế giới nguy cơ thiếu dầu ăn Thế giới nguy cơ thiếu dầu ăn

VTV.vn - Tình trạng thiếu hụt hàng hóa đang làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nguồn cung dầu ăn trên quy mô toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước