Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác?

Thanh Hiệp-Thứ năm, ngày 25/03/2021 20:04 GMT+7

VTV.vn - Sự cố tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez, Ai Cập từ hôm 23/3 đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phải đối mặt với những thách thức vô cùng nghiêm trọng.

Các nỗ lực giải cứu chưa mang lại hiệu quả

Ngày 25/3, Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) thông báo đã tạm thời đình chỉ giao thông tại Kênh đào Suez để 8 tàu kéo có thể giải cứu tàu chở hàng Ever Given đang mắc cạn tại phía Nam của kênh đào này đã 2 ngày.

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 1.

Giới chức Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) chỉ đạo việc giải cứu tàu Ever Given (Nguồn: Bloomberg)

Người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết những nỗ lực giải cứu "siêu tàu" chở hàng Ever Given vẫn đang được tiếp tục, song do kích cỡ của tàu quá lớn nên quá trình làm nổi con tàu này sẽ cần nhiều thời gian. Theo SCA, gió mạnh và bão cát gây cản trở tầm nhìn được cho là nguyên nhân khiến con tàu dài 400m, rộng 59m và có thể chở 224 nghìn tấn hàng hóa này di chuyển chệch hướng, nghiêng sang một bên và mắc cạn, đồng thời làm tắc nghẽn tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này. Tuy nhiên, ông Rabie khẳng định SCA đã từng xử lý thành công một số trường hợp mắc cạn tương tự trong quá khứ.

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 2.

Ai Cập sử dụng các tàu kéo để "giải cứu" tàu Ever Given (Nguồn: CNBC)

Theo tờ New York Times, các tàu kéo nhỏ hơn nhiều lần so với tàu Ever Given và một máy xúc đang cố gắng "vặn" con tàu 224.000 tần này để mũi tàu không còn kẹt vào bờ đông kênh đào. Nếu thời tiết cho phép, hoạt động cứu nạn sẽ được thực hiện xuyên đêm. Tuy nhiên, gió lớn liên tục và kích thước khổng lồ của tàu Ever Given khiến công cuộc "giải cứu" trở nên vô cùng phức tạp.

Hiện SMIT Salvage, đơn vị cứu hộ hàng hải uy tín thuộc tập đoàn Royal Boskalis Westminster NV của Hà Lan, đã được mời tham gia giải cứu con tàu mắc cạn. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, cơ hội tốt nhất để đưa con tàu về vị trí bình thường sẽ không tới trước ngày Chủ nhật hoặc Thứ Hai 29/3, khi thủy triều đạt đỉnh.

Gần 10 tỷ USD hàng hóa bị mắc kẹt mỗi ngày

Sự cố của tàu Ever Given đã chặn đứng hoạt động di chuyển của tàu bè qua kênh đào Suez, một trong những tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới và là con đường trên biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu.

Nhận định về tầm quan trọng của kênh đào Suez đối với hoạt động vận tải toàn cầu, ông Guy Platten, Tổng thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế, cho biết: "Kênh đào là Suez là một trong những tuyến đường thủy có vai trò chiến lược nhất trên thế giới, giống như kênh đào Panama. Nó vận chuyển khoảng 12% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu mỗi năm, với giá trị vào khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Số lượng tàu thuyền di chuyển qua đây hàng năm là 18 nghìn chiếc. Do đó, khi một con tàu mắc kẹt, nó thực sự làm đình trệ cả dòng chảy thương mại".

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy con tàu chở hàng MV Ever Given bị mắc kẹt trên Kênh đào Suez ngày 23/3 (Nguồn: AFP)

Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết hơn 20 tàu chở dầu mang theo dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này. Kênh đào Suez cũng là một tuyến đường chủ chốt của những con tàu chở khí hóa lỏng và tình trạng tắc nghẽn đang diễn ra cũng làm mắc kẹt 7 tàu chở khí hóa lỏng, theo thông tin từ Refinitiv. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài có thể ảnh hưởng mạnh đến giá khí hỏa lỏng và khí đốt tại thị trường châu Âu. Ngay sau sự cố, cả giá dầu Brent và WTI tại Mỹ và châu Âu đều đã bật tăng 6%.

Bên cạnh đó, còn có 13 con tàu container khác đang neo đậu xung quanh khu vực Suez và ít nhất hai tàu khác đang chờ ngoài Địa Trung Hải. Tất cả những tàu này đều không thể lên đường nếu tình trạng tắc nghẽn tiếp diễn.

Hãng vận tải container lớn nhất thế giới A.P. Moller Maersk cũng cho biết bảy tàu của hãng đã bị ảnh hưởng. Trong đó, bốn tàu "bị mắc kẹt trong hệ thống kênh đào" và ba chiếc còn lại phải neo đậu chờ vào kênh đào Suez.

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 4.

Theo Bloomberg, có 185 tàu chở hàng đang chờ đợi được di chuyển qua kênh đào Suez (Nguồn: Bloomberg)

Theo tính toán sơ bộ của hãng truyền thông Bloomberg, tình trạng giao thông đình trệ ở kênh đào Suez sẽ khiến khoảng 9,6 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn tại đây mỗi ngày. Số liệu này được tính toán dựa trên phân tích của tờ báo Lloyd's List, trong đó ước tính lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày trị giá khoảng 5,1 tỷ USD, còn lượng hàng hóa từ phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Các ước tính của Bloomberg và Lloyd’s cho thấy, hiện tại có khoảng 165-185 tàu đang chờ để đi qua Kênh đào Suez.

Thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

Việc Kênh đào Suez bị tắc nghẽn xảy ra đúng vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải hứng chịu nhiều sức ép lớn. Những gián đoạn do đại dịch Covid-19 và sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu đối với hàng hóa bán lẻ đã dẫn tới nhiều nút thắt hậu cần lớn, cả về nguồn cung hàng hóa và tàu chở hàng, trong những tháng gần đây.

"Với chuỗi cung ứng Á-Âu vốn đã bị kéo căng, vụ tắc nghẽn ở Kênh Suez xảy ra vào một thời điểm không thể tệ hơn", chuyên gia Greg Knowler thuộc công ty dữ liệu thương mại JOC phát biểu. "Các hãng vận tải biển đã phải sử dụng hết tàu bè để phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của châu Âu và Anh. Sự tắc nghẽn ở Suez sẽ gây tê liệt dòng chảy hàng hóa này".

Theo Phó giáo sư Salvatore Mercogliano tại Đại học Campbell, bang North Carolina, Mỹ, việc kênh đào bị tắc nghẽn đang gây ra những lo ngại lớn đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia. "Mỗi ngày kênh đào bị tắc nghẽn, Ai Cập sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế khi không thể thu được khoản phí 700 nghìn USD với mỗi tàu đi qua. Quan trọng hơn, các tàu container sẽ không thể vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu sang châu Âu hay đưa hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang các nước phía đông. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thương mại ở cả châu Âu và châu Á".

Trong số các hàng hóa lưu thông qua kênh đào Suez, đáng chú ý phải kể đến những tàu chở năng lượng, vốn chiếm khoảng 10% lượng dầu và 8% lượng khí đốt được vận chuyển trên toàn cầu. Các nhà máy lọc dầu của châu Âu và Mỹ thường vận chuyển dầu từ Trung Đông có thể sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, khiến giá dầu tăng cao. Đồng thời, tuyến vận chuyển dầu thô từ Biển Bắc tới châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 5.

Tình trạng tắc nghẽn tại Kênh đào Suez đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển năng lượng (Nguồn: Reuters)

Ông Randy Giveans, Phó chủ tịch cấp cao của công ty tài chính Jefferries LLC nhận định: "Các nhà máy lọc dầu thường hoạt động dựa theo lịch trình rất chặt chẽ. Vì thế, chỉ cần việc vận chuyển bị trì hoãn một, hai, hay ba ngày thôi cũng sẽ làm xáo trộn mọi thứ. Họ rất cần dầu thô và sẽ phải tìm mọi cách để duy trì nguồn cung thay thế. Dầu thô của Mỹ, Brazil, Nigeria sẽ được vận chuyển đến châu Âu, trong khi dầu thô từ Trung Đông sẽ tới châu Á. Các tuyến đường này không bị ảnh hưởng bởi Kênh đào Suez".

Nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng sẽ chịu tác động lớn, trong đó có ngành công nghiệp ô tô. Theo báo Telegraph, một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới sẽ buộc phải gia hạn thời gian tạm ngừng hoạt động của các nhà máy, trong bối cảnh sự tắc nghẽn tại Kênh đào Suez làm chậm trễ việc cung cấp chip bán dẫn. Trước đó, Ford, Toyota, Volkswagen và Honda đã phải giảm hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn cung chip tiên tiến. Chuyên gia Tatsuo Yoshida của Bloomberg Intelligence nhận xét: "Hoạt động sản xuất đang thực sự dễ bị tổn thương. Bất kỳ sự cố bất thường nào cũng có thể khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn cung linh kiện".

Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác?

Ông Lars Jensen, chuyên gia vận tải biển và giám đốc điều hành của SeaIntelligence Consulting cho biết những sự cố như của Ever Given là không nhiều. Hồi năm 2016, một con tàu container có kích thước tương tự là CSCL Indian Ocean cũng đã bị mắc kẹt tại cảng Hamburg, Đức và quá trình giải cứu phải mất gần một tuần lễ. Tuy nhiên ngay cả khi con tàu đã được giải cứu vẫn cần thêm thời gian để giải quyết lượng tàu phải nằm chờ vì sự cố.

Trong tình hình đó, các công ty vận tải biển đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Đó là tiếp tục hướng đến Kênh đào Suez và chấp nhận rủi ro bị mắc kẹt hoặc lựa chọn các tuyến đường xa hơn, tốn kém hơn như đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, Nam Phi. "Nếu lạc quan về khung thời gian, họ nên tiến hành như bình thường và chấp nhận chỉ bị trì hoãn một vài ngày", ông Jensen khuyến cáo.

Kênh đào Suez tắc nghẽn: Chờ đợi hay lựa chọn tuyến đường khác? - Ảnh 6.

Nếu tình trạng tắc nghẽn tại Kênh đào Suez kéo dài, các hãng vận tải sẽ phải cân nhắc lựa chọn tuyến đường dài hơn, đi qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) (Nguồn: Internewcsast)

Chuyên gia Knowler, Tạp chí Thương mại, cảnh báo việc lựa chọn đi vòng qua phía Nam châu Phi sẽ khiến các hãng vận tải phải gánh chịu chi phí lớn và mất thêm một tuần cho thời gian vận chuyển. "Các tàu cũng sẽ phải tăng tốc để duy trì lịch trình hàng tuần, và nếu tăng vận tốc thêm 2 hải lý/giờ trong 5 ngày chạy thêm, con tàu sẽ tiên tốn thêm 1 nghìn tấn nhiên liệu".

Tuy nhiên, Jonathan Roach, chuyên gia về vận tải container, lại nhận định: "Việc các công ty vận tải lựa chọn tuyến đường dài hơn, đi vòng qua châu Phi có thể làm tăng chi phí, vì phải mất thêm một tuần di chuyển. Tuy nhiên, các tàu cũng không phải trả phí qua kênh đào, nên tác động tổng thể có thể không thay đổi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước