Sự ra đời của Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày Pháp luật thực chất là mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của cơ sở. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các tỉnh Hà Tây (trước đây), Tiền Giang, Long An... đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật và sau đó được một số địa phương khác tham khảo, áp dụng. Qua theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp việc thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” tại các địa phương, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương) đã đánh giá đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc (Công văn số 3535/HĐPH ngày 04/10/2010 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ). Theo đó, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đa số các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tế.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào 09/11 tới (Ảnh: Internet)
Trên cơ sở đó, Ngày Pháp luật đã chính thức được thể chế hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013. Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Để 365 ngày đều là Ngày Pháp luật
Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Không chỉ khơi dậy trong mọi cá nhân, công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình, Ngày Pháp luật còn khuyến khích mỗi người dân, mỗi tổ chức tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Ngày này còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất (Ảnh: Internet)
Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Công tác thực hiện pháp luật tại Đài THVN
Ngày Pháp luật được tổ chức cũng là dịp để các cơ quan tổ chức, đơn vị có thời gian nhìn lại việc thực hiện pháp luật của mình và Đài THVN là một ví dụ.
Trong những năm qua, Đài THVN thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của mình một cách hiệu quả trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của Luật Báo chí.
Ở nước ta, mỗi ngành nghề sẽ được chế định bằng các khung pháp lý: Luật, Nghị định, Quy định… với các cơ quan truyền thông trong đó có Đài THVN, Luật Báo chí được coi là cơ sở nền tảng quy định, là khung pháp lý quan trọng điều chỉnh tôn chỉ mục đích thông tin. Luật Báo chí tại Đài THVN được thực hiện nghiêm chỉnh kể từ khi ra đời vào năm 1989.
Là đơn vị tự chủ tài chính, hạch toán độc lập và bao gồm cả doanh nghiệp, Đài THVN cũng đã thực hiện tốt các quy định trong các Luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ngoài ra, việc tuyên truyền pháp luật đến mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong Đài luôn được chú trọng. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã kịp thời đến với mỗi người, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và thực hiện tốt pháp luật.
Cán bộ, VC và người lao động của Đài THVN chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy định của cơ quan (Ảnh: Đức Huỳnh)
Việc thực hiện pháp luật tại Đài THVN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định của Nhà nước mà còn thể hiện ở nội dung chấp hành nghiêm chỉnh các quy chế, quy định do cơ quan ban hành. Đơn cử như việc, ra vào cơ quan phải đeo thẻ, sắp xếp phương tiện đúng chỗ, thực hiện đúng các quy định tại trường quay... là những minh chứng sống động nhất về việc chấp hành quy định của pháp luật. Gần đây, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong Đài đã tham gia vào việc góp ý, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách tích cực.
Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 được xác định là: “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việc tổ chức Ngày Pháp luật năm nay là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng đối với mỗi cán bộ, viên chức và người động Đài THVN nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Nó sẽ làm tiền đề, cơ sở, tạo động lực để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực hơn trong những năm tiếp theo, góp phần vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.