Vấn đề sử dụng câu từ, thành ngữ của phóng viên truyền hình

Đăng bởi Phạm Việt Tiến 0 Bình luận

13 Tháng 8 2014

Ảnh minh họa

Trong quá trình viết lời hay nói trực tiếp, nhiều biên tập viên, người dẫn chương trình sử dụng tục ngữ, thành ngữ để diễn đạt ẩn dụ. Có hai khả năng xảy ra. Nếu sử dụng đúng thì lời bình sẽ nâng cao hơn về chất lượng. Còn sử dụng không đúng thì sẽ phản tác dụng. Có rất nhiều BTV, MC hồn nhiên sử dụng tục ngữ, thành ngữ trong bài viết không hiểu rõ hoặc hiểu sai ngữ nghĩa của nó.

Ví dụ, trong bài phản ánh về việc chuyển đổi diện tích đất canh tác không đúng chủ trương ở một địa phương, có xen lẫn một chút tình cảm cá nhân của cán bộ… phóng viên viết: “Bà con nông dân ở đây đã thẳng thắn yêu cầu các cán bộ chính quyền xã và thôn phải làm cho ra ngô ra khoai vấn đề này…”. Người viết đã sử dụng không đúng cụm từ “ra ngô ra khoai”. Như chúng ta đã biết, ngô và khoai là hai loại khác nhau một cách cơ bản. Khi đã khác nhau cơ bản như vậy thì cần gì phải làm cho nó “ra ngô ra khoai” nữa. Thực ra trong thành ngữ này hiểu đúng, viết đúng nó là “ra môn ra khoai”. Môn và Khoai là hai loại rất giống nhau nên muốn phân biệt thì cần phải mất công xem xét, phân loại. Trong Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ - Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang 1388 ghi rõ: “Ra Môn Ra Khoai là làm cho rõ ràng, không nhập nhằng lẫn lộn ví như phải làm rõ đâu là Khoai môn, đâu là Khoai sọ”.

Đồng nghĩa với câu này còn có nhiều câu tương tự như: “Ra món ra mớ”, “Ra mớ ra món”, “Ra măng ra rươi”… chúng ta có thể tham khảo thêm trong Từ điển Tiếng Việt.

Trong một chương trình truyền hình tôi đã xem, phóng viên sử dụng câu: “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Lại một cách sử dụng cách nói ẩn dụ nhưng không hiểu hết ngữ nghĩa của câu. Cách nói đúng nhất khi sử dụng ý này phải là: Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm với hàm ý tự do đùa nghịch, phá phách khi người phụ trách hay chủ nhà đi vắng.

Trong cách nói hay viết trong Truyền hình, việc sử dụng cụm từ “tồn tại” để chỉ hay khẳng định cho ý là khuyết điểm, nhược điểm của cá nhân, hay đơn vị hay trong một việc cụ thể nào đó là thường xuyên. Có thể nói ngày nào trên sóng cũng có cách nói này. Lâu dần thành quen và chúng ta mặc nhiên công nhận cụm từ “tồn tại” này có nghĩa là chỉ sự yếu kém, khuyết điểm. Theo tiếng Hán Việt “tồn tại” là bên trong, chỉ cái hiện hữu trong sự việc nào đó. Nếu chỉ dùng hai chữ “tồn tại” để chỉ khuyết điểm là chưa chính xác. Từ điển Tiếng Việt trang 1669 có viết: Tồn tại: là đang có, đang hiện hữu, con người có thể nhận biết được bằng giác quan. Nếu muốn sử dụng cụm từ “tồn tại” để chỉ khuyết điểm thì phải dùng đồng thời với khuyết điểm. Ví dụ:… “còn tồn tại khuyết điểm” hay “cần tập trung để giải quyết những khuyết điểm còn tồn tại”…

Chính vì vậy, trên truyền hình, cách viết cách nói để chỉ ra điểm yếu kém nào đó thì chúng ta nên sử dụng trực tiếp cụm từ nào đó thì chúng ta nên sử dụng trực tiếp cụm từ là khuyết điểm, yếu kém, như vậy câu từ vừa chính xác, vừa gọn và đây là ngôn ngữ, văn phong của người Việt, không cần phải “vay mượn” ngôn ngữ khác.

Còn một cách viết, cách nói khác mà lâu nay chúng ta vẫn hay sai khi sử dụng từ “yếu điểm” để chỉ sự kém cỏi. Gần đây nhất, trong một chương trình thể thao đề cập tới trận đấu Worldcup 2014, khi nói tới sự yếu kém của một đội bóng, MC đã dùng cụm từ “yếu điểm”. Ở đây có sự nhầm lẫn cơ bản. “Yếu điểm”, theo từ điển tiếng Việt là điểm quan trọng nhất, chính yếu nhất. Còn nếu muốn nói tới sự kém cỏi, sự yếu kém thì chúng ta phải dùng từ “điểm yếu” là chính xác nhất và rõ ràng nhất. Từ điển tiếng Việt đã chỉ rõ, “điểm” là một vị trí, một chấm nhỏ, hay một mục nhỏ trong nội dung nào đó, “yếu” là chỉ sự hạn chế, sự yếu đuối, kém cỏi, ốm yếu.

Sơ qua một vài điểm như vậy để thấy rằng, muốn có sự đồng thuận, thiện cảm của người xem truyền hình thì sự hiểu đúng về câu từ, thành ngữ, tục ngữ của phóng viên, biên tập viên rất quan trọng.

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.