Lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra sự tồn tại của virus H5N1. (Ảnh: Reuters)
Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bệnh đã tăng lên mức 28% với 144 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận tại 20 trong số 27 tỉnh của Ai Cập. Bộ Y tế Ai Cập khẳng định đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát virus và ngăn chặn bệnh lây lan, đặc biệt là khi mùa Đông bắt đầu. Thuốc kháng virus Tamiflu đã được cung cấp đầy đủ và được dự trữ với số lượng lớn nhằm bảo đảm chủ động trong công tác ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, một chương trình truyền thông và một đường dây nóng cũng đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân về virus cúm gia cầm để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh.
Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở Ai Cập được phát hiện tại các khu vực nông thôn, nơi người dân có xu hướng nuôi gia cầm trong nhà khiến nguy cơ tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh rất cao. Theo báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 10, từ năm 2003 đến tháng 10/2014, đã có 686 trường hợp xét nghiệm dương tính với H5N1 trên toàn cầu, trong đó 393 ca tử vong. Cũng theo một thống kê vào cuối tháng 6/2014 của WHO, Ai Cập là quốc gia đứng thứ hai thế giới sau Indonesia về số ca nhiễm virus cúm A/H5N1 ở người.
Các ca nhiễm cúm A/H5N1 ở gia cầm và người được phát hiện lần đầu tiên ở Ai Cập vào đầu năm 2006. Chủng virus này đã biến thành đại dịch vào năm 2008, buộc chính quyền nước này phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp như tiêu hủy hàng loạt và tiến hành tiêm vaccine cho gia cầm. Ước tính có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm tại quốc gia Bắc Phi này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.