Các nước vùng Vịnh đóng chặt cửa với người tị nạn Syria

Thanh Hiệp (Trung tâm tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 23/09/2015 15:52 GMT+7

VTV.vn - Những lý do tôn giáo, an ninh và ổn định xã hội sẽ khiến những cánh cửa của các nước vùng Vịnh tiếp tục đóng chặt với người tị nạn Syria.

Mới đây, Mỹ đã quyết định viện trợ cho người tị nạn Syria khoản tiền lên tới 4,5 tỷ USD. Thế nhưng, khi nhìn lại, nhiều người sẽ không khỏi đặt ra một câu hỏi là: Tại sao những quốc gia giàu có tại Trung Đông như Saudi Arabia, Kuwait hay Qatar lại không hề tiếp nhận một người tị nạn nào mặc dù kinh tế giàu có, khoảng cách địa lý rất gần và chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tôn giáo. Lý do thực sự ở đây là gì?

Theo CNN, 4 năm nội chiến tại Syria đã khiến 4,1 triệu người phải rời bỏ đất nước, tìm đường tới tị nạn tại các quốc gia lân cận, những nền kinh tế vốn không phải là mạnh nhất ở khu vực Trung Đông. Thậm chí, nhiều người đã mạo hiểm cả tính mạng, vượt biển, tìm tới những quốc gia châu Âu xa xôi. Trong khi đó, các quốc gia vùng vịnh giàu có lại không tiếp nhận một người di cư nào.

Ông Antonio Guterres, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, cho biết: “Chúng tôi đã kêu gọi không chỉ các nước trong khu vực mà tất cả các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển cần mở cửa đường biên giới. Điều này đúng với các nước châu Âu, với các nước vùng Vịnh và với bất cứ quốc gia nào có khả năng tiếp nhận người tị nạn Syria và giúp họ hoà nhập cuộc sống”.

Đáp trả lại các chỉ trích, các quốc gia vùng Vịnh cho rằng mặc dù không cung cấp chỗ ở cho người tị nạn Syria, nhưng họ là những quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ nhất về mặt tài chính. Các nước vùng Vịnh cũng không tham gia ký kết Công ước năm 1951 của Liên Hợp Quốc về người tị nạn và quan niệm của họ về người tị nạn cũng khác với các quốc gia khác trên thế giới. Saudi Arabia khẳng định đã tiếp nhận 2,5 triệu người Syria kể từ khi cuộc chiến bắt đầu tuy nhiên không gọi họ là người tị nạn để tránh tình trạng phân biệt đối xử.

Ông Abdulkhaleq Abdulla, nguyên giáo sư Khoa Chính trị học, Đại học Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, cho biết: “Có nhiều đóng góp của các nước vùng vịnh đã không được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tôi không nghĩ có cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào giúp đỡ cho người tị nạn Syria nhiều hơn các quốc gia vùng Vịnh”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hay Bahrain khó có thể tiếp nhận thêm người tị nạn bởi quy mô dân số và đất đai nhỏ. Còn Saudi Arabia, quốc gia có dân số và diện tích lớn hơn cả lại lo ngại sẽ phải đối mặt với những nguy cơ khủng bố, bất ổn chính trị gia tăng nếu tiếp đón dòng người tị nạn.

Những lý do tôn giáo, an ninh và ổn định xã hội sẽ khiến những cánh cửa của các nước vùng Vịnh tiếp tục đóng chặt với người tị nạn Syria mặc dù những dòng tiền hỗ trợ vẫn không ngừng chảy.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước