Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Đây là một bước đi quan trọng hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương sau nhiều thập niên đối đầu giữa Mỹ và Cuba.
Để có thêm thông tin về quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bản tin 12h ngày 15/4 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Trường Sơn, thường trú Đài THVN tại Mỹ.
Thưa anh Trường Sơn, quyết đinh của Tổng thống Obama được đưa ra trong hoàn cảnh như thế nào và tại sao quyết định này lại được coi là một bước tiến trong quan hệ Mỹ - Cuba?
Phóng viên Trường Sơn: Theo thông báo của Nhà Trắng cách đây ít giờ, Tổng thống Obama đã gửi thông báo cho Quốc hội Mỹ về việc chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Trong thông báo này, ông Obama nói rõ rằng: Bộ Ngoại giao Mỹ đã rà soát và nhận định Cuba hội tụ đủ điều kiện để có thể được rút khỏi danh sách nêu trên. Cần lưu ý rằng động thái này được đưa ra chỉ hai ngày sau cuộc gặp lịch sử giữa ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Đây có thể coi là một bước then chốt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ.
Cuba bị đưa vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố từ năm 1982 và liên tục ở trong danh sách này từ thời gian đó đến nay cùng với 3 quốc gia khác là Sudan, Syria và Iran. Tuy nhiên, Cuba nằm trong danh sách bảo trợ khủng bố chủ yếu là do quan hệ căng thẳng với Mỹ, chứ không phải vì hành động tài trợ khủng bố nào.
Nếu được đưa ra khỏi danh sách trên, Cuba sẽ lại được tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ, hướng tới việc mở Đại sứ quán tại Mỹ và hợp tác thương mại với Mỹ sau này.
Như anh vừa nói, Tổng thống Obama đã quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và gửi thông báo cho Quốc hội. Vậy tại sao anh vẫn còn nói là "nếu Cuba được đưa ra khỏi danh sách trên"?
Phóng viên Trường Sơn: Mọi việc gần như chỉ còn là vấn đề thủ tục. Nhưng cho dù vậy, đến giờ thì Cuba vẫn chưa được chính thức loại khỏi danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Ông Obama không cần Quốc hội phải phê chuẩn quyết định của mình. Nhưng quyết định này vẫn phải chờ 45 ngày để chính thức có hiệu lực.
Nếu trong 45 ngày đó, Quốc hội Mỹ không đưa ra được một dự luật phản đối quyết định của ông Obama, sẽ mặc nhiên quyết định có hiệu lực. Nếu Quốc hội Mỹ có ra một dự luật phản đối việc đưa Cuba khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, chắc chắn ông Obama cũng sẽ bác bỏ. Khi đó, Quốc hội Mỹ sẽ cần bỏ phiếu một lần nữa và cần phải đạt được 2/3 số phiếu tán thành mới có thể đảo ngược quyết định của Tổng thống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.