Người dân Hy Lạp xếp hàng trước các máy ATM bên ngoài một chi nhánh Ngân hàng Quốc gia ở Athens hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)
Cuộc bầu cử ở Hy Lạp đã được dư luận quốc tế theo dõi sát sao, bởi Đảng thắng cuộc sẽ phải tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng theo như yêu cầu các chủ nợ đưa ra trong gói cứu trợ 86 tỷ Euro. Trước mắt, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ phải gánh vác những trọng trách nhằm vực dậy kinh tế, nhất là thực hiện chương trình cải cách kinh tế đi kèm với những điều kiện chặt chẽ của các chủ nợ quốc tế.
Thời gian sắp tới mới là giai đoạn cam go và đầy thử thách đối với Hy Lạp khi nước này phải thực hiện các biện pháp cải cách khắc khổ mới theo đúng cam kết với các chủ nợ quốc tế. Thậm chí lần này những đòi hỏi của các chủ nợ còn khắc nghiệt hơn.
Quốc hội mới của Hy Lạp sẽ phải điều chỉnh ngân sách năm 2015 của nước này, trong đó có những thay đổi về thuế thu nhập và quỹ lương hưu. Nông dân sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn khi thuế thu nhập của nhóm này dự kiến tăng gấp đôi, từ 13% hiện nay lên 26% vào năm 2017. Thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Hy Lạp cũng sẽ tăng vào tháng 10 tới - lần tăng thứ hai trong năm nay.
3 cuộc bầu cử liên tiếp chỉ trong vòng 9 tháng qua, hàng loạt những cam kết được đưa ra nhưng tương lai của Hy Lạp giờ vẫn là một dấu hỏi lớn. Chấp nhận cải cách kinh tế sẽ giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và tránh viễn cảnh phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhưng gánh nặng thắt lưng buộc bụng giờ lại đè nặng lên đôi vài người dân.
Thêm gói cứu trợ thứ ba, núi nợ công của Hy Lạp lại tiếp tục cao, lên tới 200% Tổng sản phẩm quốc nội. Theo kịch bản khả quan nhất cũng phải 15 năm nữa nợ công của Hy Lạp mới về được mức được Quỹ tiền tệ quốc tế coi là bình thường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.