Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Ảnh: AFP)
Ngày 20/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bãi bỏ một quy định được ban hành năm 2010, theo đó cho phép thể chế tài chính này tham gia vào chương trình cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp.
Việc bãi bỏ này được đưa ra giữa lúc có nhiều chỉ trích, chủ yếu từ các nền kinh tế mới nổi, rằng IMF đã thiên vị phương Tây khi cho một số nước châu Âu như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha vay tiền, mặc dù những nước này không đáp ứng điều kiện được vay.
Ban điều hành IMF đã phê chuẩn một cải cách quan trọng đối với quyền đặc cách trong cơ chế cho vay của IMF, cụ thể là bãi bỏ quy định "miễn trừ có hệ thống". Quy định này được cho đã tạo ra lỗ hổng trong chính sách lâu nay của IMF. Theo đó, tổ chức này phải đánh giá tích cực khả năng thanh toán nợ của một nước thành viên, trước khi quyết định hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn khoản đóng góp của nước đó.
Vào thời điểm năm 2010, với điều khoản "miễn trừ có hệ thống", IMF đã lần lượt cung cấp hai khoản viện trợ trị giá 30 tỷ Euro (tương đương 32,7 tỷ USD) và 18 tỷ Euro (19,5 tỷ USD) cho Hy Lạp trong hai năm 2010 và 2012. Quy định này cũng đã được IMF sử dụng hơn 30 lần để cung cấp viện trợ cho cả Ireland và Bồ Đào Nha, hai nước thành viên của Eurozone. Trước những chỉ trích về tính thiên vị hiện nay, IMF sẽ phải cân nhắc việc có tiếp cùng EU và ECB tham gia gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro dành cho Hy Lạp được công bố hồi tháng 8/2015 hay không.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.