Lỗ hổng an ninh của Hiệp ước Schengen

Xuân Hảo (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 30/08/2015 20:28 GMT+7

VTV.vn - Hôm 29/8, tại Paris, Bộ trưởng 9 nước châu Âu một lần nữa hối thúc Ủy ban châu Âu sửa đổi Hiệp ước Schengen nhằm bít chặt những lỗ hổng về an ninh.

Vụ nghi can người Morocco El Khazzani mang theo súng trường và súng ngắn lên tàu cao tốc Thalys nối Amsterdam với Paris với âm mưu thực hiện một vụ tấn công thảm sát đã cho thấy những kẽ hở về an ninh trên các tuyến giao thông đường sắt của châu Âu cũng như những lỗ hổng về an ninh trong Hiệp ước Schengen. Trong cuộc họp hôm 29/8 tại Paris, các Bộ trưởng 9 nước châu Âu một lần nữa hối thúc Ủy ban châu Âu sửa đổi Hiệp ước Schengen nhằm bít chặt những lỗ hổng về an ninh.

Khối Schengen dùng để chỉ một không gian tự do đi lại giữa các quốc gia ký kết Hiệp ước Schengen. Khối Schengen được hình thành từ năm 1985. Kể từ 1/7/2013, khối Schengen chính thức bao gồm 26 nước, trong đó có 22 nước thành viên Liên minh châu Âu và 4 nước liên kết không thuộc EU là: Na Uy, Iceland, Thụy Sỹ và Liechtenstein.

Theo Hiệp ước Schengen, tất cả mọi người bao gồm công dân của Liên minh châu Âu hoặc nước thứ 3, một khi đã ở trên lãnh thổ của một nước thuộc khối Schengen sẽ được tự do đi lại giữa các nước trong khối mà không bị kiểm soát. Có nghĩa là để đi lại giữa các nước, hành khách không cần tới hộ chiếu và các chuyến bay giữa các nước Schengen được coi như các chuyến bay nội địa.

Tuy nhiên, với việc hàng nghìn người châu Âu hiện chiến đấu cho các tổ chức cực đoan tại Iraq và Syria, Hiệp ước Schengen đang trở thành một lỗ hổng an ninh đáng lo ngại. Các tay súng này một khi quay trở lại có thể tự do di chuyển tới các nước trong khối Schengen, đe dọa an ninh của tất cả các nước thành viên. Vì vậy, một số nước châu Âu đang đề xuất thay đổi Hiệp ước Schengen để ngăn chặn việc các tay súng thánh chiến qua lại giữa biên giới các nước châu Âu mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, do vấn đề này nằm trong luật EU nên việc cải cách Schengen phải mất nhiều năm để thực hiện. Bất cứ sự hối thúc nào cũng sẽ có khả năng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước châu Âu vốn coi nguyên tắc di chuyển tự do là "bất khả xâm phạm".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước