Binh sỹ Bangladesh. (Ảnh: EPA)
Quân đội Bangladesh ngày 8/2 đã phủ nhận việc lật đổ Chính phủ nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị đang leo thang, đồng thời cảnh báo giới truyền thông về việc phản đối vai trò của quân đội trong cuộc khủng hoảng này.
Lực lượng này cho biết đã chứng kiến 19 cuộc đảo chính quân sự và sự cầm quyền của hai nhà độc tài quân sự kể từ năm 1971 và khẳng định tôn trọng Hiến pháp và luật pháp Bangladesh. Theo một quan chức quân đội Bangladesh, lực lượng này buộc phải lên tiếng phản đối sự tưởng tượng và suy đoán của giới truyền thông về sự can thiệp của quân đội vào cuộc khủng hoảng, "vì điều này có thể gây hiểu lầm trong người dân".
Bangladesh đang rơi vào tình trạng tê liệt kể từ đầu tháng 1 vừa qua khi lực lượng đối lập tiến hành một cuộc biểu tình phong toả hệ thống giao thông trên cả nước nhằm lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina. Làn sóng bạo lực khiến ít nhất 80 người chết, hàng trăm người bị thương và làm thiệt hại cho nền kinh tế nước này lên đến 10 tỷ USD.
Trong khi truyền thông chính thống giữ ý kiến cho rằng sự can thiệp quân sự ở mức tối thiểu, thì "những thông tin suy diễn lại tràn ngập trên các mạng xã hội và Internet không bị kiểm soát". Năm 2007, quân đội Bangladesh đã phải can thiệp khi tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng ở nước này đe dọa đến lòng tin của người dân đối với cuộc bầu cử sắp diễn ra. Lực lượng này đã thiết lập một Chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn, tiến hành quản lý đất nước trong thời hạn hai năm cho đến khi cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức.
Nhà lãnh đạo đối lập, người từng hai lần làm thủ tướng Bangladesh, Khaleda Zia, đã kêu gọi phong toả hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy sau khi bị cảnh sát giam giữ tại văn phòng của bà hôm 3/1 vừa qua. Mặc dù phủ nhận việc đảng Dân tộc Bangladesh của bà đứng đằng sau vụ bạo lực này, nhưng thủ lĩnh phe đối lập đe doạ sẽ tiếp tục phong toả hệ thống giao thông cho đến khi Thủ tướng Hasina tổ chức cuộc bầu cử mới. Bà Zia dẫn đầu một liên minh 20 đảng đối lập tẩy chay cuộc bầu cử được tổ chức năm ngoái với lý do kết quả cuộc bầu cử này là gian lận.
Nhà chức trách Bangladesh đã triển khai hàng nghìn binh lính và cảnh sát để bảo vệ các phương tiện giao thông, đồng thời bắt giữ hơn 10.000 người chống đối, nhưng bất ổn vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Hơn 1.000 phương tiện giao thông các loại bao gồm xe bus, xe tải đã bị phá huỷ bằng bom xăng của lực lượng chống đối. Ngày 8/2, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Bangladesh Shahidul Haq đã yêu cầu các nhân viên xe buýt ngừng hoạt động sau 21h.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.