Qua thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu phải thu thập dữ liệu chi tiết để trả lời hai câu hỏi: "Tác động của thuốc tới người như thế nào?" và "Liệu có an toàn hay không?".
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng là chìa khóa để thu thập những thông tin đó nhưng nếu không có những người tình nguyện tham gia vào thử nghiệm lâm sàng, sẽ không có các phương pháp điều trị mới cho những căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Những đóng góp của họ thường là thầm lặng và không được nhiều người biết đến.
Cuộc đời của bà Holly Johnston đã thay đổi cách đây 8 năm khi mới phát hiện ung thư. Dù đã cắt bỏ một quả thận nhưng tình hình vẫn không suy giảm. Holly nghĩ rằng bà không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên các bác sĩ đã đem đến một ý tưởng cho bà.
Bà Holly Johnston - bệnh nhân thử nghiệm lâm sàng - nói: “Bác sĩ nói với tôi là đang có một cuộc thử nghiệm lâm sàng. Ông ấy nói tôi đủ sức khỏe để tham gia cuộc thử nghiệm và quyết định là tùy ở tôi”.
Bà Holly cuối cùng đã đồng ý và trở thành một trong số hàng ngàn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng mỗi năm. Quy trình thử nghiệm lâm sàng thường được kiểm soát nghiêm ngặt và được chia làm 3 giai đoạn. Rủi ro là tương đối hiếm, nhưng không phải là không xảy ra. Năm 2006, 6 người đàn ông đã phải nhập viện ở London sau khi thử nghiệm thuốc - vụ việc nghiêm trọng nhất trước sự cố vừa xảy ra ở Pháp.
Bác sĩ của bà Holly - Tiến sĩ Donald Harvey - cho rằng, những người tham gia thử nghiệm lâm sàng thực sự là những người hùng, đặc biệt là những bệnh nhân ở giai đoạn cuối.
Tiến sĩ Donald Harvey - Viện ung thư Winship, Atlanta, Mỹ - nói: “Chúng tôi đang điều trị những bệnh nhân có nghị lực phi thường, người đã cống hiến cho chúng tôi rất nhiều thời gian và sức lực. Thậm chí có những người đã dành những tháng cuối cùng trong cuộc đời họ để tham gia và chúng tôi rất tôn trọng điều đó”.
Đối với bà Holly, cuộc thử nghiệm lâm sàng đã kéo dài cuộc sống của bà và khiến bà trở thành một phần của một cuộc chiến cao cả hơn. “Tôi không chỉ hy vọng giúp chính mình mà còn giúp những người khác. Bởi khi bạn tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng, các bác sĩ, các nhà khoa học sẽ có được những thông tin giúp họ tìm ra cách tốt hơn để chữa trị cho bệnh nhân ung thư” - bà Holly nói.
Việc tìm ra một loại thuốc hay cách điều trị mới cho những căn bệnh nan y hiện nay đòi hỏi nhiều công sức, thậm chí là cả sự hy sinh. Vụ việc ở Pháp có thể coi là cái giá khá đắt cho mục đích cứu sống nhiều người khác nhưng việc thử nghiệm thuốc có đáng hay không lại phụ thuộc vào đánh giá của mỗi người.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!