Phát biểu tại Washington sau khi đệ trình bản dự thảo luật lên Quốc hội, Tổng thống Obama khẳng định mặc dù ông có đặc quyền hành pháp để tiến hành các cuộc không kích vào IS, song một nghị quyết chính thức của Quốc hội cho phép Chính quyền Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự chống IS sẽ là điểm nhấn cho thế giới thấy nước Mỹ là một khối đoàn kết và quyết tâm trong cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Mỹ Obama nói: “Sẽ mất nhiều thời gian để đánh bật các phần tử khủng bố. Nhưng liên quân do Mỹ chỉ huy chống IS đang ở thế tấn công. Chúng ta sẽ đánh bại IS và giành chiến thắng”.
Bản dự luật mà Nhà Trắng đề xuất gồm 3 nội dung chính liên quan đến quy mô và giới hạn hoạt động quân sự mà Tổng thống có quyền điều động.
Thứ nhất, Nhà Trắng được phép sử dụng sức mạnh quân sự để tiến hành cuộc chiến chống IS, nhưng không được sử dụng lực lượng chiến đấu trên bộ, ngoại trừ các chiến dịch cứu trợ hoặc các sứ mệnh đặc nhiệm để loại trừ các nhân vật chủ chốt của IS.
Thứ hai, cuộc chiến chống IS sẽ tiến hành trong 3 năm. Đây là điểm khác biệt so với hai luật cho phép sử dụng sức mạnh quân sự mà Quốc hội trao cho Nhà trắng trước đó. Cụ thể, vào năm 2001 là cuộc chiến chống khủng bố; năm 2002 là cuộc chiến tại Iraq. Cả hai luật này đều không có thời hạn chót và chính chúng là cơ sở pháp lý để chính quyền Mỹ tiến hành hàng loạt các hành động quân sự tại nước ngoài trong hơn 10 năm qua.
Thứ ba, dự luật xác định kẻ thù chính của Mỹ là IS nhưng cũng cho phép Tổng thống Mỹ có sự linh động nhất định trong việc lựa chọn mục tiêu tấn công. Đó là “IS hoặc các cá nhân, tổ chức, lực lượng có liên quan đến IS”.
Ngay sau khi bản dự luật được đệ trình lên Quốc hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ các nghị sĩ chủ chốt của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, lần này, ranh giới của sự khác biệt không phải là sự khác biệt về Đảng phái truyền thống mà là sự khác biệt giữa phe nghị sĩ cực đoan và nghị sĩ ôn hoà tại Mỹ, về mức độ can thiệp quân sự ra nước ngoài của Mỹ. Phe cực đoan cho rằng, dự luật mới bó buộc quyền hạn của Tổng thổng quá nhiều và do đó sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của quân đội Mỹ, trong khi phe ôn hoà lại lo ngại dự luật này vẫn còn quá chung trong quy định quyền hạn của Tổng thống và do đó có thể sẽ đẩy Mỹ vào cuộc sa lầy quân sự mới tại nước ngoài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.