10 sự kiện trong nước đáng chú ý nhất diễn ra trong năm 2017

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/12/2017 20:38 GMT+7

VTV.vn - Chỉ còn hơn một ngày nữa, năm 2017 sẽ chính thức trôi qua, cùng điểm lại 10 sự kiện trong nước đáng chú ý nhất đã diễn ra trong một năm qua.

Trong suốt một năm qua, có rất nhiều sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trên khắp cả nước, ghi dấu đặc biệt trong mọi mặt đời sống, chính trị, kinh tế, đối ngoại, phòng chống tham nhũng. Cùng điểm lại 10 sự kiện trong nước đáng chú ý nhất đã diễn ra trong một năm qua.

ĐỐI NGOẠI NÂNG TẦM VỊ THẾ VIỆT NAM

Với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", Năm APEC 2017 đã thành công cả về cả nội dung và tổ chức. Nhiều sáng kiến quan trọng của Việt Nam đã được các nền kinh tế APEC ủng hộ, đánh giá cao và tích cực hưởng ứng.

Năm nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiến hành 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế, đồng thời đón 36 Nguyên thủ và Thủ tướng các nước thăm Việt Nam. Chỉ trong một năm, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có 9 chuyến thăm tới tất cả các cường quốc trong khu vực và thế giới, vì vậy 2017 có thể coi là năm "Ngoại giao nước lớn". Đồng thời, mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng truyền thống, các nước trong khu vực, các đối tác ưu tiên, vẫn được tiếp tục củng cố góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, tạo thêm cơ hội cho phát triển và nâng tầm vị thế Việt Nam.

CỦNG CỐ LÒNG TIN

Chưa bao giờ, số cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị kỷ luật nhiều và mức độ nghiêm khắc như trong năm nay. Đặc biệt, có cán bộ từng là Ủy viên Bộ Chính trị, bị kỷ luật, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. Tuy đây là bài học đau xót trong công tác cán bộ, song đã khẳng định quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng.

Cũng trong năm 2017, nhiều vụ án lớn về kinh tế và tham ô tài sản của Nhà nước đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử. Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng không làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân.

NĂM CỦA NHỮNG KỶ LỤC VỀ KINH TẾ

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,81%, cao nhất trong 6 năm qua. Đưa thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.385 USD. Lần đầu tiên sau nhiều năm, 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu lần đầu đạt gần 425 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đã vượt cả xuất khẩu gạo và dầu thô. Lần đầu tiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt gần 36 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ đạt gần 52 tỷ USD.

Cũng trong năm nay, gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay. Và lần đầu tiên có tới 127 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới trong một năm. Đây cũng là năm đầu Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế "mềm" cho năm sau từ 6,5-6,7% thay vì ấn định một con số.

BƯỚC TIẾN TRONG CẢI CÁCH BỘ MÁY HÀNH CHÍNH

Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết riêng về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng bỏ đầu mối trung gian, khắc phục sự chồng chéo. Cũng trong năm nay, Quốc hội đã tiến hành giám sát và ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với phương châm kiến tạo, hành động, Chính phủ đã cắt giảm và đơn giản hóa tới 5.000 thủ tục hành chính, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được đơn giản hóa. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc và môi trường kinh doanh tăng 14 bậc.

THIÊN TAI KHỐC LIỆT

Chưa năm nào, Việt Nam phải gánh chịu tới 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới như năm nay. Trong đó, lần đầu tiên một cơn bão đổ bộ vào tháng 12 và lần đầu tiên sau 20 năm Đồng bằng sông Cửu Long phải đối phó với bão. Hiếm có năm nào cả 4 vùng từ Tây Bắc - Bắc Trung Bộ - Nam Trung Bộ rồi Nam Bộ đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi bão, lũ, khiến 386 người thiệt mạng, thiệt hại về vật chất lên đến 60.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD. Trong năm nay, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với quan điểm chủ đạo là thuận thiên.

CHỈ ĐẦU TƯ BOT Ở TUYẾN ĐƯỜNG MỚI

Năm 2017, việc thu phí giao thông ở một số dự án giao thông được triển khai theo hình thức BOT trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận, trước những bất cập về sự thiếu minh bạch. Đỉnh điểm là căng thẳng ở trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Cũng trong năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó quy định việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, để người dân có sự lựa chọn, chứ không áp dụng trong đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ ĐƯỢC TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ

Năm 2017, các cơ sở y tế đã chuyển sang áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo hướng tính đúng, tính đủ, bao gồm cả tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế. Đồng thời đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, kết hợp các quỹ hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Người tham gia bảo hiểm y tế cũng được Quỹ bảo hiểm thanh toán nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Đến nay, cả nước đã có trên 83% người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến gần hơn đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

NÂNG CAO Ý THỨC BẢO VỆ TRẺ EM

Năm nay cũng là năm nhiều vụ bạo hành và xâm hại trẻ em bị đưa ra công luận. Đã có nhiều vụ được điều tra và xét xử nghiêm minh. Những vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính cấp thiết của vấn đề bảo vệ trẻ em cả về thể chất và tinh thần, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng, thúc đẩy giải pháp và hành động cụ thể. Tổng đài 111, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã chính thức đi vào hoạt động trong cả nước để tiếp nhận và xử lý thông tin về hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, cũng như tư vấn trực tiếp cho các em.

UNESCO VINH DANH BÀI CHÒI VÀ HÁT XOAN

"Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam" và "Hát xoan Phú Thọ" đã chính thức được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện góp phần quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Năm nay cũng đánh dấu thời điểm, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ngoài ra Châu bản Triều Nguyễn cũng được công nhận là di sản tư liệu thế giới.

SEA GAMES 29 - NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á (SEA Games) đã ghi nhận những bước tiến mới của thể thao Việt Nam. Với 58 huy chương Vàng, Đoàn thể thao Việt Nam đã duy trì vị trí thứ 3 Đông Nam Á. Lần đầu tiên điền kinh đạt 17 huy chương Vàng. Nguyễn Thị Ánh Viên 8 lần về nhất ở các cự ly bơi, giúp Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 ở môn thể thao quan trọng này. Thế nhưng, trong khi đội tuyển bóng đã nữ xuất sắc trở lại vị trí số 1 Đông Nam Á, đội tuyển bóng đá Nam U22 lại phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng bảng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước