2010, kinh tế VN tăng trưởng theo kịch bản nào?

Mạnh Hùng-Thứ sáu, ngày 15/01/2010 10:11 GMT+7

Năm 2010, kinh tế VN sẽ tăng trưởng theo kịch bản nào là chủ đề chính được thảo luận trong cuộc hội thảo "Kinh tế VN năm 2010: Nhận diện cơ hội đầu tư - kinh doanh" do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức.

Đã có nhiều kịch bản được đưa ra, nhưng theo đánh giá chung thì VN năm nay có hoàn thành được kế hoạch tăng trưởng GDP trên 6,5% hay không phụ thuộc vào hai nhân tố chính là biến động của tình hình kinh tế thế giới và sự linh động trong điều hành chính sách kinh tế của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Hội thảo không chỉ bàn về kịch bản tăng trưởng 6,5%, mà nhiều người còn lạc quan nhắc đến mức 7 - 8%, tức là phục hồi lại mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước đây ngay trong năm 2010. Cơ sở của sự lạc quan này là sự chuyển biến tích cực của kinh tế VN từ ngay những tháng cuối năm 2009 và sự phục hồi của kinh tế thế giới. Xuất khẩu của VN có cơ hội tăng trở lại do thị trường Hoa Kỳ và EU đang dần thoát khỏi suy thoái, khủng hoảng, trong khi những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới tới VN lại không nhiều như lo ngại của một số người.

Ông Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Nhiều lĩnh vực của chúng ta còn chưa mở cửa hết như bất động sản, tài chính, tiền tệ và đồng tiền chưa chuyển đổi tự do, nên những ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, những tác động tiêu cực của nó đến với chúng ta là có mức độ.

Tuy nhiên, các cụm từ chất lượng và bền vững cũng đã được nhắc đến nhiều trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh những phục hồi kinh tế của VN cũng như thế giới thời gian qua phụ thuộc nhiều vào các gói kích cầu, nới lỏng chính sách tiền tệ chứ không phải nhờ tăng tiêu dùng và đầu tư của các DN. Do vậy, tăng trưởng cao phải đi kèm với ổn định các cân đối vĩ mô là điều được nhiều chuyên gia nhắc tới.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Ổn định kinh tế vĩ mô là trong đó kỳ vọng về lạm phát của dân chúng là thấp hoặc phải làm sao để triệt tiêu kỳ vọng đó. Ổn định kinh tế vĩ mô còn là làm sao đảm bảo tỷ giá tương đối ổn định và người ta có thể dự đoán được khả năng thay đổi của tỷ giá theo cơ chế thị trường...

Ông Nguyễn Mại, Nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng: "Chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn 6,5% như Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua và thậm chí, người ta đã nghĩ tới 7 hay 8% nếu như là bài toán về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các ngành, các địa phương và các DN nhà nước với Chính phủ được bảo đảm tốt hơn, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới".

Cho dù có ở kịch bản tăng trưởng nào thì kinh tế VN trong năm 2010 cũng được đánh giá là sáng sủa hơn nhiều so với năm 2009. Và điều đặc biệt hơn là các DN trong nước từ chỗ năm qua phải ứng phó thụ động với suy thoái, khủng hoảng kinh tế qua cắt giảm chi phí, lao động, thu hẹp quy mô sản xuất... thì nay có thể chuyển sang chủ động nâng cao năng suất, hiệu quả, xâm nhập thị trường mới và huy động thêm vốn qua các kênh trong xã hội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước