Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước Luật Biển của LHQ.
Ngày 27/7/1994, Việt Nam nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 tới Ban Thư ký LHQ. Được coi là "Hiến pháp về biển và đại dương", Công ước Luật Biển năm 1982 quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của những vùng biển cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Công ước định ra trình tự, thủ tục giải quyết những tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam là 1 trong 107 quốc gia ký công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi công ước có hiệu lực. Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Công ước Luật Biển 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!