Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thay mặt Bộ Quốc phòng báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung cơ bản.
Đầu tiên, về tên gọi dân quân tự vệ, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho hay, Dự thảo luật quy định tên gọi dân quân tự vệ là phù hợp vì đúng với Điều 66 Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018, kế thừa tên gọi của Pháp lệnh về dân quân tự vệ năm 1996, Pháp lệnh dân quân tự vệ năm 2004 và Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
"Thực tế có tổ chức đơn vị dân quân, đơn vị tự vệ nhưng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ là thống nhất. Lực lượng dân quân tự vệ là một chỉnh thể không tách rời, trong quá trình thực hiện không vướng mắc tên gọi. Mặt khác, tên gọi dân quân tự vệ đã quen thuộc, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua các thời kỳ. Đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo" Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Về độ tuổi tham gia dân quân tự vệ ở Điều 8, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, quá trình xây dựng luật đã có những ý kiến đề nghị tăng tuổi tham gia tự vệ ở cơ quan, tổ chức vì số lượng cán bộ, công nhân, viên chức được tuyển vào cơ quan, tổ chức hàng năm rất ít. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo: "Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia tự vệ. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức có chuyển ra nên vẫn đảm bảo được nguồn bổ sung cho tự vệ nhằm khắc phục trường hợp thiếu người để tổ chức tự vệ ở một số cơ quan, tổ chức.
Điều 8 dự thảo luật quy định theo hướng kéo dài thời gian tham gia tự vệ đến hết độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ".
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Về điều kiện thành lập tự vệ trong doanh nghiệp tại Điều 17 của dự thảo luật. Khoản 2 Điều 17 dự thảo luật quy định điều kiện tổ chức tự vệ là luật hóa Điều 4 Nghị định số 03 của Chính phủ năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ. Theo đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho hay, doanh nghiệp có đủ 4 điều kiện sẽ được thành lập tự vệ.
"Một là đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp. Đây là điều kiện tiên quyết có tính nguyên tắc vì dân quân tự vệ là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nên phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu không đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thì không tổ chức dân quân tự vệ;
Hai là doanh nghiệp đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng doanh nghiệp đã ổn định và có đủ điều kiện để tổ chức tự vệ. Quy định này được thực hiện trong thời gian qua và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thời gian doanh nghiệp hoạt động đủ 24 tháng. Ban soạn thảo xin tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu.
Ba là doanh nghiệp có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất một tiểu đội tự vệ. Điều kiện này quy định về số lượng tối thiểu cho người lao động và doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn để tổ chức đơn vị tự vệ;
Bốn là theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng, Đề án kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương. Điều kiện này nhằm quy định việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp được chặt chẽ, tránh tràn lan, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp. Như vậy, dự thảo luật quy định chung đối với các loại hình doanh nghiệp nếu có đủ 4 điều kiện trên thì được xem xét thành lập tự vệ, đúng với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ".
Về chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Điều 20, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói, quá trình xây dựng luật, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan chính quy của quân đội đảm nhiệm. Phương án 2 quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan chính quy của quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lý giải, Chính phủ lựa chọn phương án 1 vì 3 lý do.
Thứ nhất, để thể chế Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Hoạt động của khu vực phòng thủ trong tình huống khẩn cấp về quốc phòng và chiến tranh đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân do chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương chủ trì tham mưu và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang của khu vực phòng thủ, phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Thống nhất với Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 là "địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp."
Thứ hai, thực hiện phương án này không làm tăng biên chế, vì hiện nay cơ bản Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đã được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi vào quân ngũ và trở thành sĩ quan chính quy, khi hết tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, hết tình trạng chiến tranh thì được giải ngũ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng 11.162 đồng chí và tăng ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm chế độ chính sách cho sĩ quan, làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ chính sách cho một số công chức đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Thứ ba, việc bố trí sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ không phù hợp với tính chất dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, làm chính quy hóa lực lượng này. Thực tế thời gian vừa qua thực hiện các quy định hiện hành, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng và các nhiệm vụ khác ở địa phương. Vì vậy, theo quy định dự thảo luật là để thể chế hóa Nghị quyết số 28 Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất với khoản 3 Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 và phù hợp với tình hình thực tiễn đã và đang thực hiện.
"Ngoài những nội dung báo cáo giải trình, tại hội trường các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về chế độ, chính sách về kinh phí của dân quân tự vệ, chức năng nhiệm vụ của dân quân tự vệ, thẩm quyền quyết định thành lập và giải thể tiểu đoàn tự vệ... Bộ Quốc phòng xin được phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo luật theo quy định", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch kết lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!