5 vấn đề giao thông nổi bật năm 2017

Bảo Linh - Hải Nam (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 31/12/2017 10:52 GMT+7

VTV.vn - Phóng viên VTV đã bình chọn ra 5 vấn đề nổi bật của ngành giao thông năm 2017.

Những vụ việc liên quan tới BOT

Mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn nhưng những bất cập, sai sót khi thực hiện ở BOT Cai Lậy - Tiền Giang; quốc lộ 5, đoạn qua Hưng Yên; hay một số BOT khác... đã trở thành những điểm nóng, bị nhiều người dân phản đối, trả bằng tiền lẻ, mệnh giá nhỏ gây ách tắc giao thông và mâu thuẫn xã hội. Để tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị, tiếp thu để sửa đổi.

Cuộc chiến giữa Uber, Grab với taxi truyền thống

Người dân được hưởng các dịch vụ tốt hơn, đi lại gọi xe thuận lợi hơn nhưng do quan niệm Uber, Grab là một loại hình hợp đồng điện tử nên số lượng tăng lên nhanh chóng, khó kiểm soát, đã dẫn đến cuộc chiến với taxi truyền thống.

Mâu thuẫn càng sâu sắc khi hàng loạt các hãng taxi truyền thống phải sa thải hàng nghìn lái xe, thậm chí nhiều hãng đứng trên bờ phá sản bởi cho rằng có sự cạnh tranh không bình đẳng. Các cơ quan quản lý Nhà nước luôn phải đứng ra làm trọng tài, song vẫn chưa tìm được phương án quản lý phù hợp sau hai năm thí điểm hoạt động Uber và Grab.

Ùn tắc từ trên không xuống mặt đất

Ùn tắc từ trên không xuống mặt đất ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất tiếp tục khiến các nhà quản lý, các chuyên gia đau đầu đi tìm giải pháp hạ nhiệt. Quy hoạch Tân Sơn Nhất đến năm 2020 đáp ứng 25 triệu lượt khách nhưng đến hết năm 2017 đã đạt khoảng 36 triệu lượt khách và đến 2018 sẽ lên tới 40 triệu lượt khách.

Quá tải vượt xa công suất thiết kế đã diễn ra đồng loạt cả 3 khu vực là trên không, dưới mặt đất và hệ thống giao thông kết nối nhưng đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào mang tính căn bản, toàn diện, khả thi và nhận được sự đồng thuận cao.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục chậm tiến độ

Thay vì tháng 10/2017 chạy thử nghiệm và sẽ đưa vào hoạt động thương mại trong quý I/2018 như lần cam kết tiến độ gần đây, nhà thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục xin lùi mốc chạy thử vào cuối năm 2018 do mới chỉ hoàn thành xây lắp trên 95%. Những hạng mục còn lại chưa được lắp đặt hoặc do chưa trả tiền nên đối tác chưa chuyển thiết bị.

Đến nay, dự án tuyến đường sắt đô thị dài hơn 13km đã được China Emximbank chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành dự án trong năm 2018 để người dân thủ đô không phải thêm một lần nữa mừng hụt.

Chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ

"Chiến dịch giành lại vỉa hè" thành tâm điểm suốt 3 tháng đầu năm 2017 khi quận 1,TP.HCM ra quân lập lại trật tự đô thị với đầy đủ phương tiện hỗ trợ. Sau đó, chiến dịch lan rộng ra nhiều tỉnh thành, địa phương. Nhiều lãnh đạo đã tuyên bố sẽ xử lý người đứng đầu nếu không dẹp được vi phạm trật tự vỉa hè. 

Trong 9 tháng hành động quyết liệt gây nhiều xung đột giữa nhà chức trách và người dân chiếm giữ vỉa hè, hàng trăm tuyến đường của thành phố đã thông thoáng. Tuy nhiên. khi lãnh đạo các địa bàn dừng xuống đường, vỉa hè nhiều nơi bị tái chiếm, "cuộc chiến" đến nay chưa có hồi kết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước