Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: giảm 24 vụ (10,8%), giảm 7 người chết (5%), giảm 38 người bị thương (17,9%).
Các địa phương có số người chết giảm nhiều là Sóc Trăng (giảm 6 người chết), Kiên Giang (giảm 5 người chết), Bắc Giang (giảm 4 người chết), Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau mỗi nơi giảm 3 người chết. Các địa phương có số người chết tăng cao là Bến Tre tăng 5 người chết, Tây Ninh tăng 3 người chết, Đồng Nai, Phú Thọ, Tiền Giang mỗi nơi tăng 2 người chết. Trên đường sắt không xảy ra tai nạn. Trên đường thủy xảy ra 1 vụ tai nạn làm chết 1 người.
Trong dịp Tết, xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người, trong đó một vụ xảy ra tại Đắk Lắk vào ngày 23/1 (tức ngày 29 Tết), giữa xe mô tô chở 3 người đâm vào xe ô tô chở khách đi ngược chiều, làm chết 3 người trên mô tô; một vụ xảy ra tại Tây Ninh ngày 28/1 (tức ngày 4 Tết), giữa 2 xe mô tô (một xe chở 2 người, một xe chở 1 người) chạy ngược chiều nhau, làm chết cả 3 người.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất với 8 vụ làm 8 người chết, 1 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, số người bị thương không thay đổi). Hà Nội xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 1 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương). Hải Phòng xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết (không tăng không giảm). Đà Nẵng xảy ra 2 vụ làm 2 người chết, 2 người bị thương (không tăng, không giảm số vụ và số người chết, tăng 1 người bị thương). Cần Thơ xảy ra 2 vụ làm 2 người chết (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương).
Phân tích tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân do lái xe vi phạm nồng độ cồn có 4 vụ (2%); vi phạm phần đường 18,4%; vi phạm tốc độ 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân. Tuyến đường xảy ra tai nạn chủ yếu ở quốc lộ, chiếm 50,7% tổng số vụ; tỉnh lộ chiếm 18,8%, huyện lộ chiếm 10,2%; các tuyến khác chiếm 20,3%. Thời gian xảy ra tai nạn, buổi sáng (từ 6h đến 12h) chiếm 18,2%; buổi chiều (từ 12h đến 18h) chiếm 35,1%; buổi tối đến sáng hôm sau (từ 18h đến 6h) chiếm 46,7%.
Trong kỳ nghỉ Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, xử lý 19.933 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ô tô, 2.651 mô tô, tước 2.688 giấy phép lái xe; so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số vi phạm xử lý giảm 1.947 trường hợp, tiền phạt tăng 6,6 tỷ đồng (tăng 52%). Trong đó, trên đường bộ đã kiểm tra, xử lý 18.123 trường hợp vi phạm; phạt tiền 17,4 tỷ đồng. Các địa phương xử phạt cao như Gia Lai (1.041 trường hợp), Đắk Lắk (848 trường hợp), Bến Tre (645 trường hợp), Quảng Ninh (507 trường hợp), Yên Bái (558 trường hợp), Ninh Bình (526 trường hợp), Hà Nội (448 trường hợp), Thành phố Hồ Chí Minh (361 trường hợp)...
Các địa phương đã kiểm tra nồng độ cồn 35.822 trường hợp, phát hiện xử lý 3.194 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 8,9%). Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là: Đắk Lắk 297 trường hợp, Thanh Hóa 238 trường hợp, Cà Mau 201 trường hợp, Bắc Giang 189 trường hợp, Trà Vinh 146 trường hợp, Đồng Nai 144 trường hợp, Bình Định 120 trường hợp, Lâm Đồng 115 trường hợp. Riêng Hà Nội xử lý 87 trường hợp và Thành phố Hồ Chí Minh xử lý 35 trường hợp.
Trên các tuyến cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông đã bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra cơ động, kịp thời nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và giải quyết các vụ việc đột xuất xảy ra trên tuyến; kiểm tra, xử lý 53 trường hợp vi phạm, phạt tiền 67,75 triệu đồng, tước 2 giấy phép lái xe. Xử lý 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 trường hợp. Đường thủy xử lý 1.810 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1,9 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động kiểm soát, tổ 141 của Công an Hà Nội phát hiện 1 vụ việc, bắt đối tượng sử dụng xe SH là tang vật của vụ trộm cắp, thu hồi phương tiện và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Đồng Tháp, Vĩnh Phúc phát hiện và bắt giữ 3 trường hợp vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 1,4 kg.
"Những ngày trước và trong Tết, lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao, nhiều điểm chợ hoa, chợ Tết; trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, phương tiện gia tăng, tuy nhiên, không để xảy ra ùn tắc giao thông; trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn qua trạm thu phí phía Hà Nội, các phương tiện di chuyển chậm trong các ngày 29, 30 và mùng 4, mùng 5 Tết. Mùng 4 Tết, tại nút giao Vạn Điểm cao tốc Pháp Vân, đã xả trạm 3 lần để thông xe. Trong ngày 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý, thời tiết mưa lớn, một số nơi bị ngập đường, đã tác động đến các hoạt động vui Xuân, đón Tết. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông được duy trì ổn định", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động tham mưu và huy động các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là việc ra quân mở cao điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và ma túy với mức phạt cao theo quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ nên tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Cảnh sát giao thông tập trung xử lý các hành vi vi phạm có trọng tâm trọng điểm, mức phạt cao, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn (trong ngày mùng 1 Tết, các địa phương vẫn tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, đã phát hiện xử lý 394 trường hợp vi phạm), vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường làn đường... nên số tiền phạt tăng cao so với dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tăng 52%), đã góp phần tích cực, làm ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông dịp T. Việc vận chuyển hành khách trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nhìn chung được đảm bảo, có một số ít xe ô tô khách chở quá số lượng quy định đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý nghiêm khắc.
Tai nạn giao thông trong dịp Tết giảm cả 3 tiêu chí (giảm 10,8% số vụ, giảm 5% số người chết và giảm 17,9% số người bị thương). Đặc biệt, trước tình hình số người chết do tai nạn giao thông trong 6 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 4 Tết) tăng 7,02%, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo tăng cường thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm kiềm chế tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông và lãnh đạo Cục trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc trên một số tuyến trọng điểm. Với sự chỉ đạo kịp thời, trong ngày cuối cùng nghỉ Tết (mùng 5 Tết), mặc dù là ngày người dân trở về nơi làm việc, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông đã thường xuyên tổ chức tuần lưu, kiểm soát xử lý nghiêm nên tình hình trật tự an toàn giao thông ổn định, tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 13 người chết) so với cùng kỳ năm trước góp phần kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!