Nằm ở vùng hạ lưu của ngã ba sông, trong vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam, di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đang phải đối mặt với những mối đe dọa của thiên tai. Những ngôi nhà bằng gỗ hàng trăm năm tuổi nhiều lần bị nhấn chìm trong nước. Lũ lụt diễn ra với tần suất ngày một dày hơn. Biển đang tiến sâu vào đất liền với một tốc độ mà con người không thể ngờ được. Trong suốt hàng trăm năm qua, người dân Hội An đã học thích nghi với thiên tai. Thế nhưng, những nỗ lực của con người khó có thể giữ cho Hội An nguyên vẹn trước sự biến đổi mạnh mẽ của tự nhiên.
Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An - được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Đến nay, phần đê móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ở bên trong những thanh xà gồ, mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Phần nền móng chùa Cầu đã nghiêng 45 độ về phía Bắc so với kết cấu ban đầu. Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, người dân lại phải chằng chống khắp nơi để giữ cho ngôi chùa đứng vững.
Theo ông Võ Đăng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu tại địa danh này là sự xói mòn, xói lở của các công trình kiến trúc như chùa Cầu. Sau nhiều năm, tầng địa chất yếu đi và gây ảnh hưởng xấu tới di tích.
Chùa Cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng vì tình trạng xói mòn
Trong khi đó, mỗi lần xảy ra lũ lụt, ngôi nhà cổ 200 năm tuổi Tấn Ký luôn trong vùng ngập sâu nhất vì năm sát sông Hòa. Mức nước trong những năm lũ lớn được đánh dấu trên tường. Vào năm 1964 khi lũ lên cao nhất, ngôi nhà cổ Tấn Ký đã bị ngập tới nóc nhà trong suốt 3 ngày.
35 năm sau trận lụt lịch sử ấy, năm 1999, cả Hội An lại chìm sâu trong nước lũ. Mực nước trên sông Thu Bồn khi đó đạt 3m21 khiến cả một khu phố bị ngập tới lưng tầng 1. Đó cũng là năm UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới. 8 năm sau, tần suất lũ ngày một dầy hơn. Năm 2007, kỷ lục đã bị phá vỡ khi mực nước trên sông Thu Bồn là 3m28 làm ảnh hưởng tới 8.000 ngôi nhà cổ. Năm 2013, lũ đổ về dồn dập khiến Hội An ngập sâu tới 3m và hàng nghìn du khách đã phải đi sơ tán.
Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km, không ai còn nhận ra biển Cửa Đại - một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung hơn 10 năm về trước. Tuyến đường Âu Cơ nằm song song với biển Cửa Đại trước đây cách biển 200m thì giờ chỉ còn 40m.
Nguyên nhân của sự xói lở hay lũ lụt gia tăng là do thay đổi của dòng chảy sông Vu Gia, sông Thu Bồn nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, đó chính là biến đổi khí hậu.
Tình trạng này kéo dài sẽ làm hư hại các di sản cổ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời gian. Lũ lớn sẽ cuốn đi bùn đất và khi nước rút đi, bùn đọng lại trên các mái nhà khiến nhà có nguy cơ bị sập. Ước tính sẽ có khoảng 70 ngôi nhà cổ, tức 10% tổng số nhà cổ có thể bị sụp đổ hoàn toàn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!