Nhiều nhà Việt Nam học thế hệ đầu tiên của nước Nga đã bắt đầu tình yêu với Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh gian khổ, từ những cuộc gặp gỡ với Bác Hồ. Với họ, những câu chuyện giản dị, những ấn tượng sâu sắc về Bác cho đến ngày hôm nay vẫn là những hồi ức không quên.
Từng là sinh viên Liên Xô học tiếng Việt khóa đầu tiên ở Hà Nội và sau này là phóng viên Thông tấn TASS tại Việt Nam, ông Kobelev may mắn có nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác Hồ giản dị cuốc đất trồng cây hay sự quan tâm gần gũi của Người - cho đến nay vẫn là hồi ức xúc động trong ông.
Cũng giống như nhà báo Kobelev, nhà Việt Nam học Grygori Lokshin cũng nhớ như in lần gặp Bác Hồ khi còn là phiên dịch của Đại sứ Liên Xô vào năm 1961. Sự thông minh, tinh tế của Người đã có lần "cứu nguy" cho chàng trai Grygori.
Năm 1964, khi đang làm việc tại Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, ông Lokshin đã có mặt tại Hà Nội trong Hội thảo quốc tế nhân 10 năm ký Hiệp định Geneva. Sau Hội thảo, ông và các vị khách nước ngoài đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào Phủ Chủ tịch.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, trong hồi ức quý giá của những nhà Việt Nam học thế hệ đầu tiên của nước Nga như ông Kobelev, ông Lokshin là những kỷ niệm về Bác Hồ, với tất cả sự yêu mến và khâm phục. Những cuốn sách viết về Bác Hồ từ nước Nga đang truyền lại tình yêu cho thế hệ trẻ hai đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!