Còn trong cả năm 2011, mức thiếu hụt điện năng của cả nước dự kiến là 3 tỷ KWh, tương đương với lượng điện đủ cho cả thành phố Hà Nội trong khoảng 150 ngày. Thế nhưng lại đang tồn tại một nghịch lý, đó là vẫn có những nguồn điện đang bị bỏ phí trong khi cả nước thiếu điện, gây lãng phí tài nguyên và vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành điện.
Khoảng 1 tháng lại đây, đã vài lần Trung tâm điều độ của ngành điện yêu cầu Thủy điện ĐăkNe tại tỉnh Kon Tum ngừng phát điện lên lưới. Theo công ty cổ phần Tấn Phát, chủ đầu tư dự án, mỗi lần ngừng như thế, doanh nghiệp thiệt hại hơn 100 triệu đồng, chưa tính tới những thiệt hại khác khi cả nước vẫn đang thiếu điện mà nhà máy lại không được cấp điện lên lưới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Tấn Phát: "Nhà máy mới vừa hoạt động, đang tập trung vào để trả lãi vay và nợ gốc cho ngân hàng mà mất doanh thu thì chúng tôi sẽ phá sản trong tương lai. Thứ hai là chúng tôi không có đập điều tiết để giữ nước, nên khi ngưng nhà máy thì nước sẽ tràn qua và sẽ phí phạm tài nguyên".
Điện lực Kon Tum là nơi điều độ điện từ các nhà máy điện vừa và nhỏ tại địa phương. Theo Giám đốc điện lực Kon Tum, việc phải cắt giảm công suất, thậm chí là ngưng lấy điện từ một số dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn là chuyện không thể đừng. Lý do là cả 6 thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum và thủy điện Pleikrong của Tập đoàn điện lực đều tải điện lên lưới quốc gia qua một con đường “độc đạo” là đường dây 110KV từ Kon Tum về Gia Lai.
Ông Nguyễn Đức, Giám đốc Điện lực Kon Tum cho rằng, tổng công suất các thủy điện vừa và nhỏ, cộng với Pleikrong khi phát lên là 160 MW, nhưng sức chịu đựng của đường dây 110KV này tối đa là 100. Do đó trước mắt, tất cả các thủy điện vừa và nhỏ đều phải giảm công suất kể cả giờ cao điểm cho phù hợp với cho phù hợp với điều kiện của đường dây 110KV…
Chủ đầu tư một số thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum cho rằng, thủy điện của họ được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hợp đồng mua mua bán điện với ngành điện cũng quy định rõ: Ngành điện có trách nhiệm huy động hết công suất của nhà máy. Vì thế, các cơ quan chức năng đáng ra phải xây dựng đường dây truyền tải theo kịp sự phát triển của các nhà máy, tránh tình trạng quá tải gây thiệt hại cho nhiều bên như hiện nay.
Ông Trần Minh Tiến, Thành viên HĐQT Công ty CP thủy điện Đăkpsi: "Trước khi làm đã quy hoạch rồi. Rõ ràng là Tập đoàn điện lực VN phải biết cái đường dây nó sẽ quá tải như ngày hôm nay. Nếu giờ bảo là đường dây không truyền tải được thì là không được, vì nếu như thế thì phải bảo chúng tôi chuẩn bị đầu tư".
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Kon Tum đã nhiều lần đề xuất lên Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực việc xây dựng một đường dây truyền tải mới 220KV và cải tạo nâng cấp đường dây “độc đạo” cũ. Nếu bây giờ xây dựng ngay một đường dây mới thì nhanh nhất cũng phải mất 2-3 năm nữa mới hoàn thành. Vì thế, giải pháp trước mắt là ngành điện cần phải điều độ hợp lý để hạn chế tối đa thiệt hại.
Ông Nguyễn Bộ, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum: "Giữa thủy điện Pleikrong và các thủy điện vừa và nhỏ nên có cách điều chỉnh cắt giảm phù hợp hơn, bởi vì thủy điện Pleikrong có hồ chứa điều tiết, còn các thủy điện vừa và nhỏ hầu hết là đập tràn nên nếu cắt giảm thì nước không được sử dụng hết, rất lãng phí".
Theo quy hoạch, hàng chục thủy điện vừa và nhỏ khác tại Kon Tum cũng đang được xây dựng và sẽ phát điện lên lưới điện quốc gia qua đường dây 110KV Kon Tum - Gia Lai. Tuyến đường độc đạo 110KV đưa điện lên lưới giờ đã quá tải, sắp tới chắc chắn sẽ còn quá tải hơn. Và nếu không có giải pháp kịp thời, thì nghịch lý cả nước thiếu điện nhưng điện làm ra lại không được cấp lên lưới sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa.