Việc phê chuẩn công ước về quyền của người khuyết tật, theo tờ trình của Chủ tịch nước, vừa để Việt Nam tham gia và thực thi đầy đủ các quy định của Liên Hiệp Quốc, vừa cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp liên quan đền quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nước chịu nhiều hậu quả của chiến tranh và tình trạng thương tích về tai nạn giao thông, tai nạn lao động còn khá phổ hiến.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: “Đây là một công ước nhân văn, chúng ta tham gia sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của người khuyết tật”.
Thực tế trước khi tham gia công ước, Việt Nam đã có một số công trình phúc lợi phục vụ người khuyết tật, nhưng việc tham gia công ước đặt ra một thách thức cho cơ quan Nhà nước, vừa phải sửa đổi hệ thống luật pháp, sửa đổi các tiêu chuẩn, kỹ thuật xây dựng các công trình, để người khuyết tật dễ dàng sử dụng.
Cũng trong sáng nay (23/10), Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc tờ trình về việc phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Bộ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo về một số vấn đề khi phê chuẩn công ước này và báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về công ước này.