Từ khi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP. HCM được đầu tư cải tạo, việc giữ vệ sinh môi trường, chống tái ô nhiễm cũng như bảo vệ đàn cá sinh sống và phát triển tốt luôn được quan tâm. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng. Thực tế từ nhiều năm qua, vào thời điểm cuối mùa khô, nhất là khi có mưa trái mùa, mưa sớm, tình trạng cá chết nổi trắng mặt kênh lại xuất hiện. Mới đây nhất, sau cơn mưa bất ngờ vào ngày 17 - 18/4, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.
Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, cá chết nhiều vào các năm trước là do mưa lớn cuốn trôi chất bẩn trên đường phố cũng như nước từ hệ thống cống tràn xuống kênh làm tăng nồng độ các chất gây hại và giảm lượng khí trong nước. Tuy nhiên, trong dòng kênh vẫn còn nhiều cá sống sót, tiếp tục sinh sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân thả cá phóng sinh, khiến mật độ cá trên dòng kênh không ngừng tăng cao.
Về phương pháp giảm đàn cá, Chi cục Thủy sản TP.HCM sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM dùng lưới vây để bắt cá và cá cần tỉa thưa chủ yếu là cá rô phi, sau đó dùng xe chuyên dụng có trang bị máy thở oxy chuyển thẳng ra sông hoặc đưa về ao nuôi để cá phục hồi sức khỏe rồi mới chuyển ra sông lớn.
Qua thực tế nghiên cứu, PGS.TS. Vũ Cẩm Lương cho rằng, ngoài biện pháp tỉa thưa để giảm bớt lượng cá, cần phối hợp một số biện pháp khác để giảm tình trạng ô nhiễm. Ngoài giải pháp bắt bớt cá, Chi cục Thủy sản TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm tải cho kênh, tránh làm cá chết. Nếu phóng sinh, người dân không nên thả các loại cá ngoại lai như: rô phi, cá lau kính, nên thả cá bản địa như: cá trê, cá lóc vì các loại cá này có sức sống mạnh, góp phần xử lý trên vùng bị ô nhiễm của dòng kênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!