Kể từ ngày 1/1/2014, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, công việc chính của anh Nguyễn Thống Nhất, bảo vệ Khu phố 1, phường 1, Quận 6 chỉ còn là đẩy đuổi các đối tượng nghiện hút và thu nhặt những gì mà họ bỏ lại sau khi sử dụng.
Anh Nguyễn Thống Nhất cho biết: “Trước chúng tôi bắt các đối tượng và nếu thử có ma tuý là có thể đưa đi tập trung, giờ thì không được làm vậy”.
Theo quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma tuý, muốn đưa người nghiện vào trung tâm điều trị, phải qua các ngành y tế, công an, lao động thương binh và xã hội. Nhưng quan trọng nhất là phải có quyết định cuối cùng của tòa án, mà theo phản ánh chung, quy trình này mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm nay, riêng tại TP.HCM, hầu như không có người nghiện ma tuý nào bị bắt buộc đưa vào các trung tâm cai nghiện.
Một số ít trường hợp đang được toà án xem xét, một số ít đã bị xử lý vi phạm nhưng không có mặt ở địa phương. Cơ quan chức năng đang tìm cách để lập hồ sơ nhưng cũng không được bao nhiêu vì còn trông chờ vào hướng dẫn. Theo ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, việc chậm trễ này đáng lẽ không nên có vì nó đang tác động xấu đến bộ mặt đô thị.
Ông Lâm Thiếu Quân cho rằng: “Trường hợp họ liên quan đến mua bán ma tuý, tụ tập gây rối, đe doạ người khác thì phải xem xét hình sự trước rồi mới xét đến việc họ là người nghiện. Chúng ta không nên nặng nề với nhau, rồi xem xét họ là con nghiện mới xử lý hình sự sẽ gây tác hại rất xấu với xã hội”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính được coi là quy định tiến bộ và nhân văn khi nó góp phần tăng cường tính dân chủ và bảo đảm quyền con người nhưng lại chưa đi vào cuộc sống, bởi nhiều đối tượng nghiện hút đang lợi dụng kẽ hở để làm tổn hại xã hội.
Ranh giới giữa nghiện ma tuý và tội phạm là rất mong manh. Nhiều vụ trọng án bắt nguồn từ nguyên nhân này. Cách đây hơn 1 tháng, tại Quận 12, TP.HCM, đối tượng Lê Văn Tuấn đã dàn cảnh bắt cóc con tin để tống tiền gây xôn xao dư luận. Điều đáng nói, đối tượng này là một con nghiện ma tuý.