Ngay trong chiều nay (12/6), bên lề hành lang Quốc hội, nhiều quan điểm đã được đưa ra về "phí chia tay" mà đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng: "Theo tôi, đây là ý kiến của một đại biểu có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành du lịch. Cá nhân tôi trân trọng ý kiến đề xuất này, cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ ở một số vấn đề: Thứ nhất, cơ sở pháp lý trong việc hình thành quỹ này như thế nào? Chúng ta đã có luật Phí và Lệ phí. Thứ hai, thực chất đây là khoản tiền mà người dân phải đóng góp, vậy cơ chế quản lý phải đúng theo quy định của pháp luật.
Một phần nữa, liệu rằng khoản này có quan trọng đến mức nếu không có thì không thúc đẩy được hoạt động du lịch hay không cải thiện được điều kiện, thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân tốt hơn hay không. Cần phải đánh giá tác động của việc thu một khoản phí, đồng thời có cách nào đó người dân không phải đóng một khoản nào đó mà tình hình thủ tục xuất nhập cảnh vẫn được cải thiện".
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình)
Nhiều phóng viên đặt vấn đề, nếu đề xuất đưa ra mà được đồng ý, điều này sẽ khiến người dân chịu "phí chồng phí"?
Trả lời điều này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho hay: "Chính vì vậy, tôi mới cho rằng cần xem xét lại phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay, không khéo lại đưa ra khoản phí chồng phí, cần phải ra soát, nếu thực sự cần phải làm cho chuyến đi tốt hơn thì đó là điều thoả đáng. Nhưng, đưa ra một khoản mơ hồ, người dân mất tiền thì cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng".
Cũng xoay quanh đề xuất "phí chia tay", đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) bày tỏ: "Ý kiến đề xuất là quyền của đại biểu còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình các cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo phải thẩm định, đánh giá tác động. Bản thân đề xuất đó phải thuyết phục thì mới thuyết phục được số đông ĐBQH thông qua, đưa vào luật thành một chính sách".
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long)
Theo đại biểu Thắng, trên thực tế, có những nước trên thế giới cũng đã áp dụng giải pháp đó rồi. Tuy nhiên, mỗi một giải pháp có thể đúng ở đất nước này, chưa chắc đã áp dụng tốt ở đất nước khác.
Cho nên, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam cần phải có đánh giá, cân nhắc thận trọng chứ chưa thể quyết định có nên áp dụng đề xuất đó hay không, xem có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!