"Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài"

Việt Hà-Thứ hai, ngày 18/01/2010 16:24 GMT+7

Bến Tre xứ dừa, Bến Tre nôi Đồng khởi, Bến Tre của những đội quân tóc dài, Bến Tre với nghìn lẻ một sự tích anh hùng đánh Mỹ. Lịch sử dồn vào đây nội dung biết bao phong phú, và tên gọi bình dị kia mãi mãi rung động lòng người...

Những nữ chiến sĩ năm xưa trong Đội quân tóc dài của Đồng khởi Bến Tre. Ảnh: VnE

Cuốn sách “Bến Tre Đồng khởi và Đội quân tóc dài” làm sống lại không khí hào hùng, quyết liệt của 50 năm về trước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1957 đến 1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tán ác nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Genève . Thực hiện Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước.

Sự tàn ác của Mỹ - Diệm đã dồn nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải vùng lên dùng bạo lực chính trị, vũ trang để giải phóng cho mình. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Bến Tre, nhân dân Bến Tre đã tiến hành đồng khởi giành lại chính quyền từ tay địch thành công.

Cuộc Đồng khởi quật cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân Bến Tre đã mở màn cho phong trào đồng khởi của toàn miền Nam, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm Mỹ - Diệm vô cùng run sợ.

Bến Tre Đồng khởi được kể lại bởi chính người trong cuộc. Bà Nguyễn Thị Định, người mà cái đầu của bà được Chính quyền Ngô Đình Diệm treo giá 10.000 đồng, người mà tên tuổi gắn liền với cuộc Đồng khởi bất khuất ở Bến Tre.

Phần gây nhiều xúc động hơn cả trong cuốn sách này là những trang viết về Đội quân tóc dài. Một đội quân độc đáo trong lịch sử. Đó là nữ tướng Nguyễn Thị Định với cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ, nỗi đau mất chồng, những ngày chịu đày đoạ tra tấn trong tù. Đó là em gái 18 tuổi Sáu Bùi, mắt mù nhưng vẫn hăng hái đấu tranh, đã khẳng khái trả lời với cảnh sát nguỵ: Tôi mù nhưng tôi biết con đường sáng, còn hơn các người có mắt mà lại đi con đường mù".

Đó là cô Út Hạnh, tác giả của bài viết “Bức thư máu”. Nhiều tháng trời Út Hạnh bị tra tấn đến mức không thể cử động được, chỉ còn thở thoi thóp rồi bị đem vứt bỏ xuống nhà xác. Nhưng nhờ tấm lòng của quần chúng giác ngộ, cô đã được cứu thoát và trở về tiếp tục đấu tranh. Hay như anh hùng Tạ Thị Kiều, lãnh đạo tổ du kích chiếm bót địch. Bởi vậy nên có bài thơ: Xa cô du kích Mỏ Cày. Còn mê câu chuyện ban ngày đánh tua. Tay không hạ bót, cắm cờ/ Bến Tre ơi, một bài thơ tuyệt vời".

Trên 350 trang sách, với hàng chục bài viết về Bến Tre Đồng khởi, về Đội quân Tóc dài như một sự tri ân đối với một thời lịch sử khó khăn mà oanh liệt, với những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi xuân để đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước