Điểm xuất phát dịch bệnh được xác định tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Tô và một trường hợp tại huyện Tu Mơ Rông.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau họng, kho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc… Kết quả xét nghiệm xác định có 5 ca đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Tô, ngành Y tế tỉnh đã xử lý môi trường; tiêm vaccine, cấp thuốc phòng bệnh bạch hầu cho hơn 300 học sinh, thực hiện cách ly, theo dõi ngăn ngừa bệnh trong trường.
Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng có màu trắng ngà, xám hoặc đen; giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt, và bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.
Để phòng bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ .
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!