Big C Thăng Long vi phạm nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế”?

Khuất Minh -Thứ sáu, ngày 01/02/2013 23:56 GMT+7

Gà đồi Yên Thế được Siêu thị Big C bày bán. Ảnh: 24h

Trước việc siêu thị Big C Thăng Long bị cáo buộc vi phạm nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế khi bày bán sản phẩm gà đã qua chế biến phần nào gây nhầm lẫn cho người sử dụng, tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc và xử lý dứt điểm vụ việc.

Một tháng trở lại đây, tại một vài siêu thị ở Hà Nội đã bắt đầu bán các sản phẩm gà đã qua chế biến với nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế. Nhà phân phối là Công ty Giang Sơn là doanh nghiệp địa phương. Rắc rối bắt đầu từ khi Siêu thị Big C Thăng Long thông qua một nhà phân phối khác, cũng bày bán sản phẩm gà đã qua giết mổ với nhãn hiệu trên.

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang là đơn vị cấp nhãn hiệu sản phẩm Gà đồi Yên Thế cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Theo lãnh đạo sở, các công ty muốn được sử dụng nhãn hiệu này phải có hoạt động chăn nuôi gà tại huyện Yên Thế. Nhưng quan trọng hơn, các đơn vị này phải có văn bản chấp nhận của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Xuất, Phó giám đốc Sở KHCN Bắc Giang khẳng định, đến thời điểm này chỉ có công ty Giang Sơn được phép sử dụng tên nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế. “Ở đây có thể nói Big C đã xâm phạm quyền. Ở đây chúng ta nên hiểu rằng, tên sản phẩm không được gắn với tên địa danh và việc này chỉ được khi tên chủ sở hữu cho phép. Big C Thăng Long dù có dùng là Gà đồi Yên Thế hay Gà xuất xứ Yên Thế thì cũng đã có dấu hiệu địa danh Yên Thế. Như vậy là chỉ dẫn gây nhầm lẫn cho khách hàng. Cái đó không được quyền và có thể nói đây là hành động vi phạm quyền”.

Sau khi nhận được kiến nghị của Công ty Giang Sơn, Sở KHCN Bắc Giang đã cử một đoàn kiểm tra xuống làm việc với Siêu thị Big C Thăng Long. Kết quả là đến chiều 28/1 vừa qua, siêu thị này đã có hành động khắc phục việc vi phạm nói trên.

Hiện tại phóng viên đã liên hệ với đại diện siêu thị Big C để trả lời phỏng vấn về vấn đề “Big C Thăng Long bị cáo buộc vi phạm nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế”. Tuy nhiên phía siêu thị đã từ chối trả lời phỏng vấn và không đưa ra thêm bất cứ ý kiến nào trong thời điểm hiện tại.

Luật sư Lê Quang Vinh Giám đốc Bộ phận Sở hữu Trí tuệ, công ty luật BROSS & Partners là người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn về sở hữu trí tuệ cho rằng, hồ sơ Gà đồi Yên Thế cho thấy, đây mới chỉ là nhãn hiệu chứng nhận, chứ chưa phải là Chỉ dẫn địa lý như Cà phê Buôn Ma Thuột hay Nước mắm Phú Quốc. Vì vậy, tên gọi này mang tính độc quyền của đơn vị đăng ký.

“Theo tìm hiểu tôi được biết, Sở KHCN Bắc Giang đã có quy định rất rõ về điều kiện sử dụng nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế, trong đó quy định về năng lực, điều kiện của cá nhân, hộ kinh doanh gia đình ra sao, rồi chăn nuôi quy mô thế nào và họ bắt buộc phải xin phép chủ sở hữu mà ở đây là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh Bắc Giang trực thuộc sở KHCN tỉnh Bắc Giang và tổ chức này hiện nay đã được uỷ quyền của tỉnh Bắc Giang cho phép đứng tên chủ sở hữu. Cho nên Chi cục này họ có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế” - Luật sư Lê Quang Vinh nói.

Vụ Gà đồi Yên Thế có vẻ tạm lắng sau khi Bắc Giang vào cuộc và hai bên cũng chưa đến mức phải đưa nhau ra Toà. Tuy nhiên, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu nông sản.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước