Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những dấu mốc quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển (1959-2019), sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.
Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sáu mươi năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước.
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập cũng là dịp để tri ân và biểu dương những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ; đồng thời, điểm lại những trang sử vẻ vang đã qua, thể hiện quyết tâm đoàn kết, đưa nền khoa học và công nghệ của nước nhà phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: 60 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi của Bộ đã có những thay đổi từ Ủy ban Khoa học Nhà nước ở ngày đầu thành lập (năm 1959), Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Ủy ban Khoa học Nhà nước (năm 1990), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (năm 1992) và từ năm 2002 đến nay là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng dù với tên gọi nào thì Bộ cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học và công nghệ và hiện nay là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học-công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ để khoa học và công nghệ tiếp tục đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước, trong dòng chảy lịch sử 60 năm qua của ngành Khoa học và Công nghệ, nhiều tấm gương các nhà khoa học nổi tiếng nhà quản lý khoa học tiêu biểu có đóng góp quan trọng từ những giai đoạn đầu hình thành đặt nền móng cho khoa học công nghệ nước nhà phát triển như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ Tôn Thất Tùng... Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, công tác quản lý nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình, vươn lên để phát triển vì sự thịnh vượng của quốc gia của dân tộc. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, ngược lại có những nước không có tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là khoa học vì nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác. Việt Nam cũng vậy, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Để Việt Nam tiếp tục phát triển thịnh vượng, phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh; phải xác định tập trung vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển khoa học công nghệ trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý. Cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu sức sáng tạo hành động mạnh mẽ quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong thời gian tới.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN:
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho hay, bước sang giai đoạn phát triển mới, khi đất nước hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng to lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ KH&CN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đại diện Bộ vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Các đại biểu tham dự Lê kỷ niệm chụp ảnh lưu niệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!