Trong phiên chất vấn sáng nay (1/11), đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề cập đến những sơ hở trong công tác bảo mật dẫn đến tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 và chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo tình trạng này không tái diễn.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn)
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã rà soát quy trình của kỳ thi và thống nhất có nhiều giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp căn cơ.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng câu hỏi, từ đó xây dựng bài thi chuẩn hóa, theo hướng bám sát vào đánh giá năng lực của học sinh THPT cũng như có sự phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ 29.
"Đây là nhóm giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài, hết sức quan trọng mà quốc tế đang thực hiện", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Nhóm giải pháp thứ hai là cập nhật phần mềm quản lý thi, đặc biệt là chấm thi để không có lỗ hổng tránh việc bị lợi dụng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhóm giải pháp công nghệ này Bộ GD&ĐT đã thực hiện và có tính khả thi cao.
Nhóm giải pháp thứ ba là siết chặt việc quy trình tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi luôn minh bạch, công khai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ công bố 3 nhóm giải pháp căn cơ cho kỳ thi THPT Quốc gia
"Với 3 nhóm giải pháp trên, chúng tôi có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29 và hoàn thiện theo từng năm, tiến tới kỳ thi trung thực, khách quan, giảm áp lực cho xã hội cũng như tạo sự công bằng cho thí sinh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!