Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về giáo dục miền núi

PV-Thứ hai, ngày 13/08/2018 10:18 GMT+7

VTV.vn-Sáng 13/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề giáo dục miền núi trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ QH.

Sáng nay 13/8, trả lời chất vấn của đại biểu về giáo dục miền núi, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thời gian qua chúng ta đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp, bố trí giáo viên, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, ví dụ, cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền;...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về giáo dục miền núi - Ảnh 1.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi): Câu hỏi của tôi chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng về giáo dục khu vực miền núi?

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chính sách giáo dục miền núi được Đảng, Nhà nước rất quan tâm: ưu tiên xây dựng trường lớp, giáo viên, chính sách liên quan về chế độ giáo viên, học sinh... Thực tế diễn ra hầu hết địa phương, thời gian qua Chính phủ quan tâm, thông qua Nghị định mà bộ tham mưu là Nghị định 06 cấp tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, giáo viên dạy tích hợp các môn được hỗ trợ tiền; gần đây có chương trình về mục tiêu giáo dục miền núi...

Tuy nhiên, với yêu cầu thì rất khó khăn.Cơ sở vật chất trang thiết bị đến nay nhiều địa phương chưa được 50% kiên cố, còn nhiều thiết bị hỏng.Trẻ xa trường lớp nên có hiện tượng bỏ học.

Về giải pháp: Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dù tinh giản đầu mối nhưng phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho trò và thầy. Chính phủ có quyết định vẫn đảm bảo giáo viên trong cơ số. Hiện một số tỉnh giáo viên mầm non rất ít, vì vậy, biên chế giáo viên cho một lớp ở nhiều tỉnh còn khó khăn, trong 3 năm không thay đổi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đang làm việc với Bộ Nội vụ để bố trí đủ giáo viên.

"Về hiện tượng tái mù chữ là có. Hiện đang rà soát, dạy song ngữ. Với cấp 1 thì tiếng Việt cần tăng cường, từ đó hạn chế bỏ học và tiếp cận học tốt hơn. Kiến nghị Chính cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn, có biên soạn chương trình giáo dục địa phương", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đần đây nhất, làm việc với Văn phòng Chính phủ đề nghị Chính phủ phê duyệt đề án kiên cố hoá trường lớp với nội dung phục vụ vùng khó khăn. Hiện các bộ ngành đang có ý kiến và mong rằng sớm được thông qua.

Về vấn đề dồn các điểm trường: Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sẽ hướng dẫn các tỉnh dồn điểm lẻ thành điểm chính, đảm bảo các cháu tiểu học gần nhà. Khuyến khích trường phổ thông dân tộc nội trú hiệu quả. Học sinh nội trú có thể sống chung trong ký túc để chia sẻ, học tập với nhau.

Việc sắp xếp trường bán trú, điểm trường trong hệ thống thì Bộ đang hướng dẫn.

Còn về chính sách cử tuyển: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết giai đoạn trước phát huy cao, cử được người rất tốt nhưng gần đây xem ra không hiệu quả. Khi học xong về không bố trí được việc làm.

"Cử đi chưa trúng, chất lượng học của cán bộ này chưa phải cao, khi cử đi và sử dụng không khớp với nhau nên về không có việc. Do đó, cần cử người thực sự gắn với đầu ra, có thể liên tỉnh có trường để người đó ra thực sự là hạt giống về phục vụ cho địa phương", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Đại biểu Lan tranh luận: Về tái mù chữ, đề nghị Bộ trưởng cần rà soát lại. Còn về sách giáo khoa mới áp vào vùng này chưa thấy Bộ trưởng đề cập. Còn về nguồn lực còn hạn chế nên đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ thêm.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Tỷ lệ mù chữ, cách đây 3 năm có khảo sát sơ bộ, xu hướng tái mù gia tăng. Số liệu cần rà soát lại để nắm con số thật.

Còn về sách giáo khoa không chỉ với đồng bào mà nhìn chung nhiều địa phương là khi thay đổi chương trình, từ cách tiếp cận, phương pháp thực hiện cần sự đồng bộ về giáo viên, cơ sở vật chất. Do đó vùng miền núi khó khăn rất nhiều. Do đó, có tính toán hỗ trợ sách giáo khoa địa phương, biên soạn tài liệu phù hợp. Đây là vấn đề khó và chúng tôi đang rà soát.

Sáng nay 13/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về giáo dục miền núi - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Y Nhàn (Kon Tum), Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Đinh Thị Phương Lan, Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)... đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và giải pháp giảm nghèo bền vững; giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người; đầu tư hạ tầng, nước sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa; giải pháp xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới; phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo; giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng; thực hiện chính sách bồi thường tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân khi xây dựng thủy điện...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước