Bốn điểm mới trong thi tuyển lãnh đạo cấp Sở

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/09/2015 22:14 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chia sẻ những điểm mới trong Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Vụ, Sở, phòng đã được Bộ Chính trị thông qua.

Trước nhu cầu đổi mới của đất nước, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Mới đây, Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng đã được thông qua. Đây được coi là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình đưa ra thí điểm ở các Bộ, ngành, vẫn còn vài điểm cần phải làm rõ. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời hôm nay (27/9), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ trả lời về một số nội dung quanh bản Đề án này.

PV: Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng lưu ý một vài điểm trong quá trình thực hiện Đề án này. Chính vì vậy, một số khán giả hỏi: Bộ Nội vụ đã dựa vào những căn cứ và cơ sở như thế nào khi xây dựng Đề án này?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Nhằm khắc phục những mặt hạn chế tồn tại trong công tác cán bộ, Hội nghị Trung ương 9 khoá X đã xác định, tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020, trong đó, đã khẳng định phải đổi mới cách tuyển chọn cán bộ.

Trong thời gian qua, một số Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện thí điểm chưa được sự thống nhất trước về các tiêu chí và cách thức thi tuyển cũng còn khác nhau như phạm vi đối tượng tham gia dự tuyển được mở rộng. Có cơ quan, tổ chức, đơn vị không quy định đối tượng tham gia dự tuyển phải nằm trong diện quy hoạch. Nhưng, có những cơ quan, đơn vị lại mở rộng đối tượng tham gia dư tuyển đến các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp; hay lấy việc thi tuyển để thay thế cho toàn bộ quy trình tuyển chọn cán bộ hiện nay. Môn thi viết cũng thực hiện tương tự như các môn thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức. Do đó, việc xây dựng Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp Bộ, cấp Sở và cấp phòng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

PV: Một khán giả cao tuổi đặt câu hỏi: Qua theo dõi trên phương tiện thông tin báo chí cũng như nội dung mà Bộ đã tuyên truyền, một số Bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng nhưng lại chưa có sự thống nhất. Mỗi nơi một tiêu chí, cách thi tuyển khác nhau. Vậy, trong Đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua có điểm gì mới và có những điểm bổ sung gì để Đề án này có thể triển khai hiệu quả và thống nhất được trên thực tế?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Điểm mới thứ nhất là quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu được giao thẩm quyền đề xuất, giới thiệu nhân sự để tham gia dự tuyển. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự này nếu được bổ nhiệm.

Điểm mới thứ hai là phạm vi đối tượng được mở rộng; không bị giới hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cán bộ công chức, viên chức đã được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương ở trong từng Bộ, ngành, địa phương, nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, thì cũng được tham gia dự tuyển. Những người tham gia dự tuyển không nằm trong diện quy hoạch, phải được cấp ủy Đảng có thẩm quyền đồng ý.

Thứ ba, bổ sung vào trong một quy trình là người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết của môn thi điều kiện. Nếu đạt từ 50 điểm trở lên trong thang điểm 100, ứng viên này mới tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong Hội nghị cán bộ công chức, viên chức.

Điểm mới thứ tư đó là thay đổi nội dung và kết cấu phiếu tín nhiệm; đảm bảo thực chất rằng phiếu có phần thứ nhất là một số thông tin liên quan đến người tham gia dự tuyển và phần thứ hai - phần chính - là nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm của người tham gia dự tuyển. Theo đó, nội dung thứ nhất là phẩm chất, tư cách đạo đức của người tham gia dự tuyển. Nội dung thứ hai là trình độ thể hiện sự am hiểu về ngành, lĩnh vực tham gia dự tuyển. Nội dung thứ ba là năng lực thể hiện việc nói được, viết được và làm được. Ba nội dung này được thể hiện và đánh giá qua mức độ đạt hoặc không đạt.

PV: Vậy Chính phủ có lộ trình như thế nào để việc thực hiện Đề án này đạt hiệu quả cao; đáp ứng được yêu cầu cải cách nền hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức và để thực sự những nhân tài cảm thấy mình được trọng dụng, tìm đến, ở lại phụng sự cho cơ quan Nhà nước?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Theo tinh thần cơ bản của Đề án đã được Bộ chỉ định thông qua, phạm vi áp dụng thí điểm tập trung vào khoảng 1/3 Bộ, ban, ngành Trung ương và 1/3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm từ quý III năm 2015 đến quý III năm 2018.

PV: Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai trong thời gian gần dây. Vậy, các Bộ, ban, ngành khác sẽ phải thực hiện những công việc gì tiếp theo để có thể triển khai được sau khi Đề án đã được thông qua?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Khi Đề án được triển khai cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương được chọn thí điểm phải xây dựng một đề án, sau đó trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến; trên cơ sở đó, tiến hành thực hiện đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp Vụ, cấp Sở và cấp phòng.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước