Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đi vào khai thác thương mại vào cuối tháng 4 này bởi dự án vẫn còn 1% khối lượng thi công, các hồ sơ của nhiều thiết bị chưa được tổng thầu Trung Quốc cung cấp nên không đủ thủ tục để nghiệm thu từng phần, khiến cả dự án chưa thể nghiệm thu. Đến nay, mọi vướng mắc vẫn đang được tháo gỡ để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động.
Hiện các hoạt động kiểm tra thiết bị đã được Cục Đăng kiểm tiến hành thực hiện. Được biết, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra các thiết bị của đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ở mọi trạng thái vận hành như thiết bị trong buồng lái và khoang khách, hệ thống điều hòa, ánh sáng, cửa tàu, thiết bị phanh...
Đoàn tàu cũng được kiểm tra việc vận hành trên tuyến như thử hệ thống phanh, thử khả năng tàu vận hành khi có sự cố, giả định tàu bị hỏng một nửa số động cơ điện thì các động cơ còn lại vẫn cung cấp đủ lực kéo đưa tàu về ga gần nhất. Trong trường hợp hệ thống điện gặp sự cố, ắc quy của đoàn tàu đủ cung cấp điện cho một lần đóng mở cửa, chiếu sáng, thông gió trong vòng 30 phút. Đến nay, khối lượng cần kiểm tra đã hoàn thành 98%, kết quả đều đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật.
Ngoài ra, các chức năng an toàn của hệ thống điều khiển chạy tàu gồm các hệ thống: vận hành tàu tự động (ATO), tự động bảo vệ đoàn tàu (ATP), tự động giám sát (ATS) cũng được kiểm tra.
Tàu Cát Linh - Hà Đông được thiết kế vận hành theo 2 chế độ là lái tự động và lái thủ công. Ở chế độ lái tự động, việc tăng giảm tốc độ, đóng mở cửa tự động hoàn toàn, người lái tàu quan sát, xử lý sự cố trên tuyến. Ở chế độ lái thủ công thì người lái phải điều khiển tàu hoàn toàn. Các chế độ này đều được cơ quan đăng kiểm kiểm tra.
Tàu Cát Linh - Hà Đông sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC), đây là công nghệ hiện đại đang được áp dụng rộng rãi ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...
Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền thông tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các đoàn tàu để điều khiển chạy tàu. Việc áp dụng công nghệ CBTC cho phép đoàn tàu thực hiện đóng đường di động giúp thu hẹp giãn cách giữa các đoàn tàu, nâng cao tần suất chạy tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, trên bàn điều khiển trong buồng lái có thiết bị chống ngủ gật tích hợp với cần điều khiển chính. Ở chế độ lái thủ công, nếu lái tàu buông tay khỏi cần điều khiển trong 3 giây thì đoàn tàu sẽ tự động phanh lại, chức năng này sẽ giảm thiểu được rủi ro như lái tàu ngủ gật, đột quỵ khi điều khiển tàu.
Ngoài việc kiểm định an toàn các đoàn tàu, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải qua khâu đánh giá và được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Việc đánh giá này sẽ do Liên danh Apave-Certifier-Tric, một tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị độc lập này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!