Ngày 23/1, 2 trường hợp nhiễm n-Cov đầu tiên ở Việt Nam được xác nhận. Giai đoạn 1 chính thức bắt đầu. Nhưng hơn 1 tháng trước đó, khi những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu.
Vậy các giai đoạn chống dịch của Việt Nam đã được các chuyên gia nhìn nhận và đánh giá như thế nào?
TS.KIDONG PARK - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: "Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch, khi mà Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào ngày cuối cùng của tháng 12 năm 2019. Khi ấy, Việt Nam đã khởi động cơ chế đánh giá nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài, cũng như khả năng lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Để cảnh báo hiệu quả, Bộ Y tế, thậm chí cả Thủ tướng Chính phủ liên tục gửi tin nhắn khuyến cáo phòng dịch đến từng người dân, trong đó có cả người nước ngoài.
Theo báo cáo toàn cầu chúng tôi ghi nhận, Việt Nam là nước đứng đầu về chỉ số niềm tin của người dân với Chính phủ. Người dân tin tưởng Chính phủ đang điều hành những quyết sách đúng đắn. Còn Chính phủ Việt Nam thì rất quyết tâm và hành động đúng hướng, đúng thời điểm để dập dịch.
Từ 0 giờ ngày 1 tháng 4, Việt Nam thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tiếp xúc xã hội trong vòng 15 ngày. Đây được xem là một biện pháp cao hơn để phòng chống dịch bệnh nhưng không phải là phong tỏa toàn quốc. Đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3 của "cuộc chiến" chống dịch COVID-19. Chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Hãy tự hào! Việt Nam có quyền tự hào vì các bạn đã chuẩn bị rất tốt, có chiến lược tốt và có đội ngũ y tế được đào tạo kỹ càng".
Dr. JOHN BLANDFORD - Giám đốc quốc gia của CDC ở Việt Nam: "Đây là điều tôi hết sức ấn tượng. Việc gửi thông tin về đại dịch tới người người, nhà nhà, kể cả người nước ngoài là cách làm rất độc đáo của Việt Nam. Nó giúp số đông an tâm bởi họ nhận được thông tin chi tiết qua tin nhắn, từ đó chủ động làm theo hướng dẫn để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình".
Ông KAMAL MALHOTRA - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: "Chúng tôi coi cách Việt Nam ứng phó với COVID- 19 trong giai đoạn một là một ví dụ tiêu biểu để chia sẻ với thế giới. Không một nước nào theo tôi được biết, có thể giảm con số mắc bệnh trong giai đoạn 1 về 0 như Việt Nam đã làm được.
Tối ngày 6/3, Hà Nội đã công bố trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19, chấm dứt chuỗi liên tiếp 22 ngày Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới. Việt Nam bước sang giai đoạn 2. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày.
Từ mốc 100 ca đến 1000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Đại diện cao nhất của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, các biện pháp ngày một tăng về mức độ và siết chặt về kiểm soát của Việt Nam chính là lý do cho điều này.
Mức độ kiểm soát đại dịch của Việt Nam tăng tiến dần, từ dừng các chuyến bay vào Việt Nam, cho đến dừng tiếp nhận người nước ngoài và bây giờ là người Việt Nam nhập cảnh. Điều này giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình.
Các khuyến cáo cũng thắt chặt dần, từ việc khuyên người dân làm việc tại nhà, tới việc hạn chế đi ra ngoài, cho tới nghiêm cấm các sự kiện 50 người, 20 người, rồi xuống 10 người, và bây giờ là 2 người. Để làm được điều đó, sự tuân thủ của người dân là yếu tố quyết định.
Người dân có niềm tin lớn lao vào Chính phủ trong giai đoạn này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!