Cách "ứng xử" với lễ hội truyền thống nhìn từ sự cố ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/07/2017 21:13 GMT+7

VTV.vn- Vụ thiệt mạng tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là sự cố hy hữu nhưng đã bộc lộ lỗ hổng trong tổ chức quản lý, biểu hiện trục lợi, làm méo mó những giá trị về văn hóa tín ngưỡng.

Sau sự việc chủ bị trâu húc thiệt mạng trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, UBND thành phố Hải Phòng đã phải tạm dừng lễ hội, các cuộc điều tra đang được tiến hành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị bỏ việc tổ chức vòng đấu loại, chỉ tổ chức vòng đấu chung kết vào đúng ngày 9/8 âm lịch theo truyền thống.

Vụ thiệt mạng tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua là sự cố hy hữu trong lịch sử tổ chức lễ hội truyền thống này. Tuy nhiên, nó đã bộc lộ lỗ hổng trong tổ chức quản lý, biểu hiện trục lợi, làm méo mó những giá trị nguyên bản, độc đáo về văn hóa tín ngưỡng của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Người dân Đồ Sơn, nhiều chủ trâu và chính gia đình nạn nhân, dù đau lòng, vẫn mong muốn bảo tồn lễ hội. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau. Không ít nhà văn hóa từng ca ngợi và bảo vệ nét đẹp gốc của chọi trâu Đồ Sơn, giờ đã phải lên tiếng.

Ranh giới giữa văn hóa tín ngưỡng và vượt ngưỡng khá mong manh.  Đặc biệt những lễ hội có yếu tố bạo lực như chọi trâu, đâm trâu lại càng là mảnh đất để trục lợi. Đây là một trong những mảng đen tối nhất của nhiều mùa lễ hội.

Theo các nhà văn hóa, Hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử gần 1.000 năm, một sự giao thoa giữa văn hóa nông nghiệp với văn hóa cư dân ven biển để tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu cho "nhân khang vật thịnh". Lễ hội này gắn với  tục thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu. Thế nhưng, trong gần 30 năm khôi phục chọi trâu Đồ Sơn, đã có thêm gần 10 cuộc chọi trâu khác ra đời tại nhiều tỉnh, thành vốn không có lễ hội chọi trâu truyền thống ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, đến Bình Phước với lý do để khuyến khích nông dân sản xuất, chăn nuôi trâu giỏi. Phản cảm khi ngay bên ngoài nhiều sới chọi, trâu bị  giết mổ công khai để bán với giá trên trời. Thậm chí cả cá độ, một hình thức đánh bạc trái pháp luật.

Nhiều lễ hội có tục hiến sinh từng là chỗ dựa tinh thần, tín ngưỡng cho cộng đồng địa phương nay trở thành tâm điểm tranh cãi giữa các nhà văn hóa và nhà bảo vệ động vật về ranh giới giữa tính độc đáo và tính bạo lực. Khác biệt lớn là không gian, quy mô và cách thức tổ chức lễ hội. Xưa kia, nhiều hội chỉ trong phạm vi làng, giờ vì nhiều lý do, nó được mở rộng.  Mọi hình ảnh từ đẹp đến xấu có thể dễ dàng lây lan với tốc độ chóng mặt trên mạng. Vì vậy, các nhà quản lý đã điều chỉnh những lễ hội bị lên án là bạo lực, phản cảm.

Mùa lễ hội năm nay, một số hủ tục không còn phù hợp đã bị loại bỏ. Không còn cảnh đập đầu trâu tại Tam Nông, Phú Thọ. Nghi thức treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông (Yên Bái) được thay thế bằng hình thức mổ trâu ở nơi kín đáo để tế thần. Một số nơi ở Tây Nguyên, người dân đã tình nguyện không tổ chức nghi lễ đâm trâu trong các lễ hội truyền thống. Tại Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh), tục chém lợn phản cảm trước sân đình đã không xảy ra hay lễ hội Bản Giản (Vĩnh Phúc) không còn cảnh người dân tranh cướp phết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước