Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số vụ tấn công nhà báo lại có dấu hiệu gia tăng. Không chỉ bị cản trở, nhiều phóng viên, nhà báo còn liên tiếp bị bôi nhọ danh dự, khủng bố tinh thần và hành hung khi tác nghiệp. Những người làm báo lo lắng các vụ việc này không được xử lý nghiêm minh sẽ dễ tạo tiền lệ xấu, khiến các phóng viên vì sự an toàn của bản thân mà mất đi lòng nhiệt huyết với nghề và trách nhiệm điều tra, phản ánh các vụ việc tiêu cực trong xã hội.
Luật Báo chí đã quy định rõ: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Những vụ hành hung nhà báo, các đối tượng, tùy vào mức độ có thể bị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự .
Ngoài các vụ việc đe dọa, lăng mạ phóng viên, theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm còn có tới hàng chục vụ việc các nhà báo bị tấn công. Đáng lo ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự đều biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp như vụ việc xảy ra với nhóm phóng viên Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa qua .
Như vậy, những kẻ liên quan sẵn sàng bất chấp cả tính mạng của nhà báo và các quy định pháp luật để thực hiện bằng được hành vi che đậy, bưng bít các hoạt động phi pháp của mình.
Thống kê những năm qua cũng cho thấy, số vụ việc các nhà báo, phóng viên bị đe dọa, hành hung được xử lý chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ được báo chí nêu. Trong đó, hầu hết số vụ được xử lý cũng mới chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!