Có thể nói, chuyện sinh sống, giao thương ở hai bên bờ sông là thói quen, tập quán bao đời nay ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nhà ở ven sông đã không còn an toàn mà luôn chực chờ mối nguy hiểm. Có một thực tế là chính người dân cũng biết sống ven sông là nguy hiểm nhưng việc vận động bà con đến nơi ở mới, an toàn hơn lại không dễ.
Không có tiền nên mỗi khi sạt lở, đời sống bà con lại bị xáo trộn bởi đất lở là phải di dời, thụt lùi về phía sau đến đó. Trên thực tế, tình trạng sạt lở hiện nay diễn biến phức tạp, không theo quy luật nên cuộc sống bà con đã khó lại càng thêm khó. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều người không dám nhận nền tái định cư.
Bộ NN&PTNT cho biết, tại ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo đó, tổng kinh phí cần đầu tư là khoảng 6.990 tỷ đồng. Đây là số tiền để xử lý cấp bách các khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Theo các chuyên gia, nếu phải di dời tất cả hộ dân sống ở ven sông, khu vực sạt lở ở ĐBSCL, phải cần đến một số tiền rất lớn.
Dù biết là có nhiều khó khăn, nhất là chuyện kinh phí, theo các chuyên gia, không có cách nào khác ngoài việc kiên quyết, thậm chí cưỡng chế người dân khỏi vùng sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!