Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải nói thẳng, nói thật, kể cả có tiếng nói ngược lại một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ cũng như phản biện những vấn đề mà Chính phủ và các Bộ trưởng đặt ra để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Trong phiên thảo luận sáng và chiều nay (27/9), nhiều đại biểu, nhất là các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến sắc sảo để xây dựng, phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Qua thảo luận cho thấy, Hội nghị là dịp để thống nhất các hành động đối với ĐBSCL, dù không có tỉnh nào đề cập đến việc thành lập một cơ chế điều phối đủ mạnh, hiệu quả giúp Chính phủ và Thủ tướng theo dõi, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ở ĐBSCL. Nhưng theo Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, theo tổng hợp ý kiến của phiên thảo luận chuyên đề chiều qua (26/9), khuyến nghị được đưa ra là cần thành lập một cơ quan điều phối của cả vùng, nhất là tới đây Chính phủ sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD để xây dựng các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Đại sứ Hà Lan cũng khuyến nghị Chính phủ nên thành lập một cơ quan điều phối chung về phát triển của 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Về giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, lãnh đạo của một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh việc triển khai các dự án trồng cây ven biển và các công trình đê kè để chống lại tình trạng xói lở, đi cùng với các giải pháp về nước, vì ở vùng đồng bằng này, nhiều nước, ít nước, nước nhiễm mặn hay nước bẩn đều là vấn đề nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!