Cuối năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin một cậu bé ở tỉnh Gia Lai tự tử vì không có quần áo mới đi học. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Rất nhiều chủ đề liên quan được khai thác ngay sau đó, bao gồm cả việc vận động góp quỹ. Cho đến khi cơ quan chức năng địa phương xác định đây là thông tin sai sự thật, 14 trang tin điện tử đã bị xử phạt vì đưa tin theo mạng xã hội mà chưa xác minh.
Cách đây vài năm, mạng xã hội như Facebook, Zalo... chủ yếu dành cho giới trẻ và tập trung ở thành thị, đến nay khoảng 50% người dân Việt Nam dùng mạng xã hội và thường xuyên sử dụng. Chính vì sự lan tỏa, kết nối nhanh và tiện lợi của mạng xã hội, nhiều nhà báo, đơn vị truyền thông đã chọn đây là kênh truyền tải thông tin.
Việc đưa thông tin thiếu chính xác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm câu like, câu view là thực trạng phổ biến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn khi có nhiều đối tượng sử dụng phương tiện này cho mục đích chính trị. Nhiều người bị tạm giữ trong đợt tụ tập gây rối vào đầu tháng 6 vừa qua đã thừa nhận nghe theo lời kêu gọi, xúi giục trên mạng xã hội.
Hiện các quy định xử lý sai phạm thông tin trên mạng xã hội đã có nhưng chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính, mức phạt chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe. Trong khi đó, sự bùng nổ và biến tướng thông tin từ kênh này vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!