Điều này đang trở thành vấn đề nổi cộm về an ninh dân số Việt Nam, thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Đây là nhận định của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đưa ra trong cuộc họp báo sáng nay, công bố ấn phẩm "Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Bằng chứng từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009".
Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện đang là 110,5 bé trai/100 bé gái. Mặc dù chưa cao bằng một số quốc gia khác như Ấn Độ: 112, Trung Quốc 120 và Azerbaijan 117, nhưng sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam 5 năm gần đây lại tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Điều đáng ngạc nhiên là, trình độ học vấn của người mẹ càng cao lại có tỷ lệ sinh con trai cao, cũng như vậy, thu nhập của hộ gia đình càng cao thì tỷ số giới tính càng lớn, cụ thể nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112 nam/100 nữ. Quỹ Dân số LHQ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm câu trả lời cho những hiện tượng phức tạp này.
Một kết quả bất ngờ khác là tại các tỉnh phía Bắc, tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị. Khu vực phía Nam thì ngược lại, ở đô thị cao hơn nông thôn. Quỹ Dân số LHQ cũng đưa ra 1 trường hợp hy hữu, đó là Hàn Quốc cách đây 30 năm cũng có sự chênh lệch giới tính khi sinh.
Pháp luật Hàn Quốc quy định rõ, con trai và con gái đều phải được hưởng thừa kế, thời gian đầu các y bác sĩ cam kết tuyệt đối không tiết lộ giới tính thai nhi, nếu vi phạm sẽ kiên quyết bị dừng hành nghề, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ. Hiện nay, tỷ số giới tính ở Hàn Quốc đã cân bằng, việc siêu âm giới tính dù lại được cho phép, nhưng không bị lợi dụng bởi nhu cầu sinh con trai đã giảm hẳn trong xã hội.