Chính phủ hành động, Tổ tư vấn cũng phải hành động

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 23/12/2017 19:35 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sáng 23/12, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã họp sơ kết hoạt động năm nay và kế koạch hoạt động của năm tới.

Tại đây, Thủ tướng đã đề nghị Chính phủ hành động thì Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng phải là Tổ tư vấn hành động.

Mặc dù mới thành lập cách đây 5 tháng nhưng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với 16 thành viên là các nhà kinh tế có uy tín và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đã có những đóng góp nhất định vào công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng. Đánh giá về tình hình kinh tế năm nay, các thành viên của Tổ tư vấn đánh giá, năm nay là một năm ngoạn mục, nền kinh tế đã thay đổi được động thái và cách thức tăng trưởng, vì trong khi đầu tư công giải ngân trật vật thì đầu tư ở khu vực tư nhân lại tăng cao. Trong khi đó, nông nghiệp đang được tái cơ cấu thực chất và rõ nét.

Các thành viên đánh giá, yếu tố quyết định để nền kinh tế đạt được chỉ tiêu tăng trưởng trên 6,7% là nhờ quyết tâm của Thủ tướng, vì khi Thủ tướng tuyên bố quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, thì đã có không ít thành viên của Tổ nghi ngờ. Các thành viên của Tổ tư vấn đánh cũng đánh giá, năm 2017 là một năm cải cách bận rộn và thành công. Quyết tâm và cách thức cải cách thể chế, cùng với sự chỉ đạo liên tục, nhất quán và tạo áp lực hành chính cùng với áp lực từ truyền thông nên đã chuyển được những chỉ đạo của Thủ tướng từ các phòng họp và nghị quyết đến các bộ và địa phương. Cụ thể là nếu như trước đây các Nghị quyết ra rồi các bộ không hề chuyển động cũng chẳng sao, nay các bộ trì trệ nhất cũng đã thực hiện cải cách hành chính, dưới sức ép của Tổ công tác của Thủ tướng. Đây là hành động mà dư luận đánh giá rất cao và cần được tiếp tục duy trì trong năm tới. Thậm chí, lòng tin của doanh nghiệp và phong trào khởi nghiệp sáng tạo không chỉ lan tỏa ở trong nước mà còn ra cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khiến họ muốn quay về nước để thử sức. Các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần quan tâm đến việc phát triển nền kinh tế số, vì với công nghệ thông tin hiện nay kể cả giáo sư, hay người lái xe đều có thể mất việc làm. Bên cạnh đó, năm tới Chính phủ cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế hơn nữa, nhất là khu vực nông nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt, Chính phủ cần cách giác với tình trạng bong bóng của một số thị trường cũng như chu kỳ suy giảm 15 năm của nền kinh tế Việt Nam.

Nhất trí với đánh giá của các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với phương châm hành động, Chính phủ trong 2 năm vừa qua đã tạo được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Điều này được thể hiện qua việc dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng cao và thương vụ bán cổ phần của Sabeco vừa qua.

Đánh giá cao sự cố gắng, nhiệt huyết của các thành viên Tổ tư vấn, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ra đầu bài với Tổ, đó là Tổ không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế-xã hội, bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Bên cạnh đó là các giải pháp quyết liệt cho cả khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ để nền kinh tế không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn phải lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của đất nước và phải hiểu Thủ tướng Việt Nam đang cần gì trong mỗi thời điểm cụ thể. Bởi tất cả đều là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Hơn nữa một Chính phủ hành động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng cần phải hành động nhiều hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình, nhằm không làm tình hình phức tạp thêm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ví dụ như như vấn đề trạm BOT Cai Lậy, hay một số vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà xã hội quan tâm. Thủ tướng cũng đề nghị Tổ cần cần phát huy thế mạnh của từng thành viên, kể cả việc tổng hợp báo cáo của các thành viên gửi Thủ tướng cũng phải khoa học, tôn trọng sự khác biệt cũng như nêu được ý kiến đồng thuận và ý kiến khác nhau. Thậm chí mỗi thành viên có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng để tư vấn về các thông điệp đối với xã hội hay chính sách cần phải ban hành.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước