Xin chào BTV Andrew Stevens, Trung Quốc vừa bất ngờ quyết định cắt giảm dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Anh nhận định thế nào về động thái này?
Andrew Stevens: Tôi lại không thấy đó là bất ngờ. Chắc bạn đã biết thông tin mới nhất về việc sản xuất của nước này đã giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm, chủ yếu do những khó khăn từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ và châu Âu. Việc sản xuất Trung Quốc suy giảm là một dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại nên Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có tiền để cho vay được nhiều hơn, còn doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.
Ngân hàng cho vay nhiều, thế có nghĩa là tăng trưởng tín dụng lại dâng cao và Trung Quốc lại lạm phát. Chúng ta đều biết là lạm phát của Trung Quốc vẫn cao và họ vẫn đang lo ngại điều đó?
Andrew Stevens: Chúng ta phải hiểu nhiều ở đây là bao nhiêu? Theo tính toán thì với việc hạ dự trữ bắt buộc lần này, toàn hệ thống ngân hàng sẽ có thêm khoảng 62 tỷ USD để cho vay ra. Thế chưa phải là nhiều và Trung Quốc cũng sẽ không thiếu thận trọng đến mức là tung ra 1 lượng tiền mặt khổng lồ để lại hứng hậu quả lạm phát như vừa qua.
Nói riêng về con số lạm phát 5,5% hiện nay, đúng là vẫn còn cao nhưng nó đang giảm và sẽ còn tiếp tục giảm. Trung Quốc đang khá tự tin về điều đó. Nhưng mấu chốt không phải thế, Trung Quốc giờ đang đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số 1 chứ không phải là lạm phát
Vậy có thể hiểu Trung Quốc đã bỏ mục tiêu kìm chế lạm phát để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay không?
Andrew Stevens: Trung Quốc đã thắt quá chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua, nó đúng trong bối cảnh lạm phát phi mã nhưng họ không lường trước được những khó khăn từ bên ngoài. Thế nên, nói bỏ mục tiêu lạm phát là không hoàn toàn, nhưng rõ ràng là họ đã thay đổi thứ tự ưu tiên. Giờ tăng trưởng kinh tế sẽ được đặt lên hàng đầu và theo tôi thì đó cũng chính là chính sách của năm 2012 tới. Trung Quốc sẽ tiếp tục những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, chẳng hạn như tiếp tục giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc hoặc cắt giảm lãi suất. Họ sẽ tập trung vào những mục tiêu cụ thể, trong đó có cả thị trường bất động sản. Van tín dụng cho bất động sản có thể sẽ dần được mở.
Đúng là tình thế đã thay đổi hoàn toàn so với 6 tháng đầu năm, đến cả Trung Quốc cũng đang có những bước nới lỏng chính sách tiền tệ. Rộng hơn ra toàn khu vực, tôi thấy điều này cũng đang được một số các quốc gia châu Á khác áp dụng. Cả châu Á đang có chung mục tiêu thúc đẩy kinh tế hay sao?
Andrew Stevens: Đúng thế, Thái Lan vừa cắt giảm lãi suất, trước đó là Indonesia và có khi biết đâu cả Philipines hay Ấn Độ cũng tiếp bước. Các nhà phân tích mà tôi có dịp tiếp xúc đều nói là châu Á sẽ còn tiếp tục những bước nới lỏng chính sách tiền tệ khác nữa. Bởi kinh tế châu Âu đang quá khó khăn, xuất khẩu châu Á sẽ giảm sút mạnh, thị trường tín dụng châu Á cũng đang bắt đầu bị ảnh hưởng từ việc thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng châu Âu. Nên cũng như Trung Quốc thôi, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu chứ không phải là lạm phát nữa.
Cảm ơn BTV Andrew Stevens!