Chợ tình Khâu Vai - Đến hẹn lại về…

Thanh Nguyên-Thứ ba, ngày 17/04/2012 11:30 GMT+7

Hàng năm, cứ vào đêm 26, rạng sáng 27/3 âm lịch, trên đỉnh núi Khau Vai thuộc xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người dân và du khách lại về tham dự lễ hội Chợ tình Khâu Vai.

Sự tích chợ tình Khâu Vai (chợ tình phong lưu) bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng ba là người dân tộc Nùng ở núi Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo, cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy, hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng trai nghèo và khác tộc. Không còn cách nào khác, họ bỏ trốn đưa nhau lên núi Khau Vai sinh sống. Họ tộc, gia đình nhà gái vác súng, cung nỏ đến chửi mắng nhà chàng Ba vì chàng đã phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình nhà trai cũng mang gậy, súng, dao đến chửi nhà gái đã dụ dỗ chàng.
Từ trên hang nhìn xuống, thấy cảnh đâm chém giữa hai dòng họ, chàng trai và cô gái đành gác lại tình riêng, chia tay trở về làng, thề kiếp sau sẽ nên duyên vợ chồng, ngày chia tay ấy là ngày 27/3 âm lịch. Cũng từ đó, người dân trong vùng lấy ngày 27/3 là ngày họp chợ tình hàng năm. Trải qua gần thế kỷ, chợ tình với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn, mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đó, hàng năm huyện Mèo Vạc đã tổ chức Chợ tình Khâu Vai với ý nghĩa mang lại giá trị tinh thần cho đồng bào, đồng thời quảng bá tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương.
Trước kia người dân đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau mà không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo, hủ tục lạc hậu. Nhưng ngày nay rất nhiều du khách đến với chợ tình. Tại đỉnh núi Khau Vai còn có hai ngôi Miếu, nhân dân gọi là Miếu ông và Miếu bà, nhiều người cho rằng, miếu này rất linh thiêng, những đôi trai gái có mối tình trắc trở, đến cầu xin thì mọi việc sẽ được suôn sẻ.
Sau phần dâng lễ tại Miếu ông, Miếu bà, du khách còn được xem màn trình diễn nghệ thuật tái hiện truyền thuyết về Chợ tình Khâu Vai và các làn điệu hát, múa dân gian dân tộc. Mặt trời xuống núi cũng là lúc Chợ tình bắt đầu diễn ra tấp nập hơn, đông vui hơn, lúc đó các chàng trai, cô gái và cả những người từng yêu nhau say đắm, nhưng vì lý do nào đó không lấy được nhau, đến với chợ tình họ được phép gặp lại bạn tình cũ để bày tỏ tình cảm, tình yêu qua câu hát giao duyên. Điều đáng nói, chợ tình năm 2012 có nhiều điểm mới so với những năm trước, Ban tổ chức đã đưa thêm nhiều nội dung hoạt động gắn với Tuần văn hóa du lịch lễ hội Chợ tình Khâu Vai.
Có thể nói, ngoài giá trị nhân văn sâu sắc, Chợ tình Khâu Vai còn là tiềm năng để huyện đưa vào khai thác phát triển du lịch, bởi rất nhiều nơi trên mảnh đất Mèo Vạc chứa đựng những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, những di sản địa chất của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước