Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: VGP)
Trong suốt quá trình đổi mới và phát triển đất nước, việc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong thời đại mới, nhiệm vụ này càng trở nên nặng nề, đặc biệt trong những lĩnh vực mới mà cuộc Cách mạng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại.
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết với nhan đề "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới".
Báo điện tử VTV News xin trân trọng giới thiệu bài viết:
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, từ đầu thế kỷ 21, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển của không gian mạng, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm. Sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của nhân loại. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng "xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức". Do vậy, Chủ tịch nước cho rằng phát triển và làm chủ không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, các nước cũng phải đối mặt với nguy cơ, như: Chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, đối với Việt Nam, các "thế lực thù địch tội phạm mạng" gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin và bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin. Các thế lực này sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia. Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên "không gian mạng" của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô và cường độ ngày càng lớn. Các trang mạng, trang blog liên tục đăng tải bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực tới tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm suy giảm lòng tin vào chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Mặc dù dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, địa phương, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình mất an toàn thông tin mạng tại một số nơi còn diễn ra phức tạp.
Chủ tịch nước cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin quốc gia chưa đồng bộ, hiệu lực thi hành chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng còn sơ hở, chưa theo kịp tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, sơ hở trong quản lý "thông tin nội bộ, bí mật nhà nước"; chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cũng như tính chất nguy hiểm trong âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm mạng chống phá ta trên không gian mạng; công tác phòng ngừa còn để lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên mạng.
Cho rằng trong thời gian tới, hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng, trở thành loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh chúng ta cần gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu; tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, an ninh mạng; tập trung xây dựng Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật An ninh mạng; cùng với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet; có giải pháp ngăn chặn các trang thông tin điện tử, trang blog có nội dung xấu, độc hại, tin nhắn rác; quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước và dịch vụ Internet; có quy định để doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông hay Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia và lợi ích của người sử dụng; ban hành bộ quy tắc ứng xử của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet; phòng chống hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên không gian mạng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng cho rằng cần rà soát, quy hoạch các cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet; tăng cường quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, nhất là trang thông tin điện tử, báo điện tử; kịp thời định hướng để báo chí tuyên truyền có hiệu quả, cung cấp thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về các sự kiện phức tạp, nhạy cảm, nhất là các sự kiện được dư luận quan tâm; đặc biệt, cần xây dựng quy chuẩn văn hóa của những người đưa thông tin lên mạng, như không đưa tin thất thiệt, không rõ nguồn; đồng thời, phải có chế tài đối với những người vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Chủ tịch nước cũng lưu ý cần xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt; thúc đẩy các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp về bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước lớn mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia, tổ chức, tập đoàn kinh tế để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!