Chưa đủ căn cứ để kết luận có việc đưa và nhận tiền trong bê bối gian lận thi cử

PV-Thứ sáu, ngày 31/05/2019 21:26 GMT+7

Ông Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an

VTV.vn - Theo đại diện Bộ Công an, hiện chưa có đủ căn cứ pháp luật để kết luận có việc đưa và nhận tiền để nâng điểm.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc gian lận thi cử tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, ông Lương Tam Quang - Chánh Văn phòng Bộ Công an - cho biết hiện đã phát hiện ra 3 vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong đó, công an tỉnh Hà Giang và Hòa Bình thụ lý các vụ việc ở địa phương. Riêng vụ ở Hòa Bình là do Bộ Công an xử lý.

Ông Lương Tam Quang cho biết các cơ quan điều tra vẫn đang khẩn trương thu thập chứng cứ để đưa các đối tượng ra truy tố, xét xử. Về việc một số thông tin đưa, nhận tiền từ người nhà thí sinh cho các bị can, cơ quan điều tra đang thu thập thông tin. Cơ quan điều tra cần có có quá trình thu thập thêm thông tin để có tài liệu chứng cứ để làm rõ vụ việc về hoạt động đưa và nhận tiền.

"Cơ quan điều tra hiện chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để kết luận có việc đưa và nhận tiền để nâng điểm, chúng tôi đang khẩn trương đấu tranh làm rõ, củng cố chứng cứ, khi có kết luận sẽ có công bố công khai", đại diện Bộ Công an kết luận.

Nói thêm về vấn đề kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có một số đề xuất kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã nghiên cứu Đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Nhìn lại những kỳ thi trước năm 2015, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết khi đó ngoài kỳ tốt nghiệp THPT, học sinh phải thi 3 kỳ thi khác nhau, việc tổ chức thi này gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra khi đó là làm thế nào để khắc phục khó khăn, giảm áp lực cho các em và đảm bảo sự công bằng. Bộ cũng đã cân nhắc việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện thì cấp tốt nghiệp rồi xét tuyển đại học.

"Luật Giáo dục năm 2005 đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, chỉ còn kỳ thi duy nhất là tốt nghiệp THPT. Đây cũng là một kỳ thi quan trọng để là dấu mốc đánh giá cả quá trình học phổ thông. Nếu không có thi thì động lực học tập của học sinh sẽ giảm", ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.

"Bộ quyết đinh đưa ra tổ chức kỳ thi chung, gọi là kỳ thi THPT quốc gia, vừa là cơ sở để các trường đạii học tuyển sinh, vừa là căn cứ xét tốt nghiệp. Có thể nói, đề án đã được phê duyệt thực hiện tới năm 2020. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi vẫn tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân, sau năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh....", ông Độ nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước