Theo ghi nhận, từ quận Nam Từ Liêm đến quận Cầu Giấy có một số điểm ngập như: đường Trần Bình (đoạn từ UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 19/8); đường Phan Văn Trường (đoạn gần doanh trại quân đội); phố Hoa Bằng (từ số nhà 91 đến số 97) đang bị ngập nước khoảng 15 cm. Một số điểm ngập nước chừng 20 cm ảnh hưởng đến giao thông như phố Thụy Khuê (dốc La Pho, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ, Vĩnh Hưng (trước số nhà 126 Vĩnh Hưng, Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh (ngã tư Cổ Linh – Đàm Quang Trung), Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi (trước cổng Đại học KHXH&NV), Nguyễn Huy Tưởng, Quan Nhân, Triều Khúc...
Ở một số quận huyện ở ngoại thành như quận Long Biên và huyện Gia Lâm ở phía Đông thành phố cũng có một số điểm ngập. Cụ thể, phố Hoàng Như Tiếp (từ Trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ) đang bị ngập với chiều dài khoảng 100 m, mức nước ngập khoảng 15 cm. Tương tự, đoạn đường Ngọc Lâm (từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm) cũng đang trong tình trạng bị ngập sâu khoảng 15 cm, với chiều dài đoạn ngập khoảng 100 mét. Còn tại tuyến Quốc lộ 1A tại km 190, km 202, km 205 với mức độ ngập từ 20 đến 25 cm.
Nhìn chung tại các điểm ngập ô tô vẫn có thể di chuyển nhưng xe máy thì gặp khó khăn do nước tràn vào ống xả gây chết máy.
Theo đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, để đối phó với tình trạng mưa ngập trên địa bàn Công ty đã bố trí 100% nhân lực với trên 2.300 cán bộ, công nhân viên và 200 đầu máy, thiết bị cơ giới hoạt động tại các vị trí đã được phân công, nhất là khu vực nội đô, nhằm tiêu thoát nước nhanh nhất.
Vào đầu giờ chiều nay tại Hà Nội vẫn đang mưa, lượng mưa đo được như sau: quận Hoàng Mai có lượng mưa trung bình 91.1 mm; quận Hai Bà Trưng - 83,5 mm; quận Hoàn Kiếm - 76 mm; huyện Gia Lâm - 88,8 mm; quận Đống Đa - 60 mm. Các huyện ngoại thành có lượng mưa trung bình thấp hơn so với các quận nội thành nên chưa xuất hiện nhiều điểm ngập.
Ngoài tình trạng ngập úng thì các cây xanh gãy, đổ do gió to, mưa lớn cũng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân Hà Nội.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội, đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí đã được dự đoán trước có thể gây ngập úng, cây đổ tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm Thủ đô để kịp thời hỗ trợ, phân luồng giao thông. Đồng thời, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố còn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, công an các quận, huyện, phường, xã chống ngập, kịp thời xử lý các xử trên đường để đảm bảo giao thông đi lại an toàn.
Cụ thể, tại ngã ba Hoàng Diệu có ba cây to bị đổ, Đội Cảnh sát giao thông số 2 phối hợp với Công ty Cây xanh Hà Nội đưa phương tiện thiết bị đến cắt tỉa, vận chuyển đi nơi khác nên không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội, đã có hàng chục cây xanh bị đổ ra đường do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trong đó có cây xà cừ có đường kính lớn bị quật
Một số hình ảnh ghi nhận:
Gió làm bung tấm pano trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN
Mưa to gây ngập úng cục bộ trên phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân). Ảnh: TTXVN
Mưa to khiến một số cây trên tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) bị đổ. Ảnh: TTXVN
Phố Đàm Quang Trung, quận Long Biên bị ngập nặng. Ảnh: TTXVN
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!