Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 13/04/2019 20:34 GMT+7

VTV.vn - Mỗi chiếc túi nylon ít đi là 1 cơ hội để đại dương bớt ô nhiễm. Hãy hành động để không rơi vào cảnh "chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh".

Việt Nam mỗi năm thải ra hơn nửa triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong top 4 nước xả rác thải nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới. Tại một số vùng biển ở nước ta, cứ mỗi mẻ lưới kéo lên thì có 3 phần cá, 1 phần rác nhựa. Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh.

Chỉ tính riêng rác thải nhựa, chúng ta đã và đang đổ vào đại dương hơn 200 triệu tấn. Dự báo đến năm 2050, số rác thải nhựa này sẽ nhiều hơn cả cá. Nhưng tất cả những con số đáng báo động này, dường như vẫn chẳng thể lớn bằng thói quen dùng các sản phẩm làm từ nhựa một cách vô tội vạ. Nhưng môi trường vốn không cần được bảo vệ, kẻ yếu đuối và cần phải lo cho chính mình ngay bây giờ không ai khác chính là loài người.

Một chiếc túi nylon có thể chỉ được dùng vài phút, nhưng lại tốn đến hơn 400 năm để phân hủy trong đại dương. Từ những bãi biển ngập tràn rác nhựa cho đến những chú cá voi chết vì nuốt gần 8kg túi nylon chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Rác thải nhựa không thật sự biến mất mà chúng bị phân hủy thành những hạt nhựa li ti - liều thuốc độc vô hình mà chúng ta ăn và uống vào hàng ngày.

Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh - Ảnh 1.

Một khu rừng cây cạnh biển ở Nam Định, vây quanh là rác thải nhựa. Ảnh: Lêkima Hùng.

Theo báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Ghent và Đại học Exeter của Bỉ, nếu bạn ăn cá thường xuyên mỗi ngày, mỗi năm bạn sẽ bị nhiễm khoảng 11.500 hạt vi nhựa. Tin buồn là ngay cả khi bạn không ăn cá, bạn vẫn sẽ bị nhiễm hạt vi nhựa do chúng có xuất hiện trong cả nước sinh hoạt và muối ăn, bia, nước mưa cùng nhiều nguồn khác. Đến năm 2050, sẽ có 99% các loài bị ảnh hưởng bởi hạt vi nhựa và đích đến cuối cùng vẫn sẽ là con người. Số hạt vi nhựa này ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, não bộ và là nguy cơ gây ung thư.

Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh - Ảnh 2.

Bờ biển ngập ngụa trong rác thải nilon tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: Lekima Hùng.

Chính phủ các nước như Canada, Mỹ... đã ban hành luật cấm đối với hạt vi nhựa, một số quốc gia khác như Bangladesh, New Zealand, Nam Phi... còn mạnh tay cấm túi nylon sử dụng một lần. Mới đây, chính phủ Hàn Quốc cũng vừa ban hành luật phạt 3 triệu won nếu dùng túi nylon ở các siêu thị. Túi nylon chỉ mới ra đời được hơn 50 năm nhưng nay đã bị cấm ở rất nhiều quốc gia. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó đối với môi trường.

Đó chỉ mới là câu chuyện của túi nylon, chúng ta vẫn còn phải lo lắng về rất nhiều những vật dụng thông dụng khác như ống hút, chai, ly nhựa hay tã giấy... Nhưng nỗi lo lắng là thừa thãi nếu chúng chẳng thể giúp chúng ta nâng cao nhận thức và có hành động cụ thể. Sự thật đơn giản thế này: Tất cả những rác thải nhựa bạn vứt đi hôm nay đều sẽ quay về với bạn. Đại dương sẽ chẳng thể bị ung thư vì hạt vi nhựa, cũng chẳng vì có thêm rác mà cảm thấy buồn bã. Bệnh tật, bẩn thỉu, xấu xí... là tất cả những gì chúng ta phải gánh chịu.

Giải pháp cho một thế giới tốt đẹp hơn dường như cũng lại rất đơn giản: hãy sử dụng ít đi những thứ sẽ trở thành rác. Hãy thay thế hình ảnh một bà nội trợ quen thuộc mỗi sáng xách trên tay hàng chục túi nylon hàng hóa đủ màu sắc bằng một chiếc làn dùng hàng chục năm, với một vài chiếc hộp đựng thực phẩm tươi sống. Hãy thay thế hàng chục cái túi bóng, ly nhựa và ống hút nhựa cho trà sữa mỗi tuần bằng một chiếc bình đựng mà bạn thậm chí còn có thể truyền lại cho con cháu.

Chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh - Ảnh 3.

Ống hút thân thiện môi trường thay cho ống hút nhựa ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Internet.

Một tín hiệu đáng mừng là dường như mọi người đã không còn "cha chung không ai khóc" khi đối diện với những vấn đề môi trường. Một số siêu thị ở Việt Nam đã chuyển sang dùng lá chuối để gói rau, có nơi thậm chí còn ngưng bán ống hút nhựa. Các quán cafe cũng tích cực sử dụng ly thủy tinh và ống hút cỏ. Nhiều dự án môi trường đang gây tiếng vang lớn và có ảnh hưởng nhất định. Các bạn trẻ tham gia tích cực vào các trào lưu dọn rác làm sạch môi trường như #trashchallenge, hay thực hiện những dự án cá nhân như đi dọc Việt Nam để "săn rác".

Chiến túi nylon bạn vứt hôm nay có thể sẽ ở lại Trái Đất cho đến tận năm... 2419, và mỗi giây có khoảng 160.000 chiếc túi nylon như thế bị vứt đi - theo theworldcounts. Mỗi một chiếc túi nylon ít đi, là một cơ hội để đại dương bớt ô nhiễm vì rác thải nhựa. Hãy hành động để không phải rơi vào cảnh "chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh".

Du lịch... không rác thải nhựa Du lịch... không rác thải nhựa

VTV.vn - Du lịch không rác thải nhựa là điều có thể làm được nếu cả những người làm du lịch lẫn du khách đều không vì sự tiện lợi mà biến chuyến du lịch thành hành trình xả rác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước